TP HCM đề xuất thay đổi một số tiêu chí “kiểm soát Covid-19”

Nội dung được đề cập trong văn bản khẩn do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 về góp ý dự thảo hướng dẫn việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Theo đó, TP HCM đề xuất điều chỉnh tiêu chí đánh giá thích ứng an Covid-19 thành ít nhất 80% người trên 65 tuổi, hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đầy đủ liều vaccine. Thành phố cũng đề nghị thống kê người nhiễm sau khi khỏi bệnh (có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng) vào số người đã được tiêm đủ vaccine.

Bản tin sáng ngày 27/9: TP HCM đề xuất thay đổi một số tiêu chí “kiểm soát Covid-19”

Về việc phân chia cấp độ dịch, UBND TP HCM đã kiến nghị 2 phương án. Trong đó, phương án một bổ sung phần đánh giá cho các địa phương có tỷ lệ 95% người trên 18 tuổi đã tiêm một mũi vaccine. Địa phương đạt tỷ lệ này có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở một cấp thấp hơn. Phương án hai là giữ tỷ lệ tiêm chủng như dự thảo của Bộ Y tế (mốc 70%), nhưng chỉ số bắt buộc áp dụng cho ít nhất 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ vaccine, nếu chỉ số này không đạt thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch (khi Bộ Y tế cấp đủ vaccine những địa phương không đảm bảo tiến độ).

Về các biện pháp y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, TP HCM cũng có đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly, tiết kiệm được nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân. Thay vào đó, thành phố đề nghị cho phép địa phương chủ động, linh hoạt trong phương án cách ly F1.

Đà Nẵng tháo bớt rào chắn không cần thiết trên các tuyến đường

Qua khảo sát cho thấy các địa phương còn giữ khá nhiều chốt, hàng rào chắn trên các đường lớn. Do vậy, tại cuộc họp chỉ đạo chống dịch tối 26/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, đề nghị các địa phương tháo dỡ bớt các chốt chặn, chỉ giữ lại một số hàng rào, chốt tại các khu dân cư cần thiết để kiểm soát vùng xanh.

Mặc dù số ca mắc Covid-19 ở TP Đà Nẵng trong nhiều ngày qua luôn dưới 10 ca nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Do đó, Đà Nẵng xác định xét nghiệm vẫn là biện pháp cơ bản trong kiểm soát dịch.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố sắp ban hành kế hoạch phòng, chống dịch trong tình hình mới. Do sắp tới lượng người vào thành phố cũng sẽ nhiều hơn, nên yêu cầu từng địa phương phải tự xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch để đảm bảo kiểm soát tốt trong thời gian tới đây.

Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ áp dụng việc khai báo điện tử đối với người vào thành phố để rõ tình trạng xét nghiệm, tiêm vaccine, đồng thời thuận tiện cho việc truy vết trong trường hợp có liên quan ca mắc mới.

Đề xuất đầu tư 1.700 tỷ đồng xây cầu sông Đuống

Ngày 27/9, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Ban quản lý dự án 6 vừa kiến nghị Bộ thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải đường thủy sông Đuống giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án gồm xây mới cầu đường sắt cách cầu Đuống hiện nay về phía thượng lưu khoảng 16m và xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch, qua đó tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Kết cấu hai công trình đều sử dụng cầu vòm thép.

Cầu đường sắt sẽ được dự tính nâng cao độ đỉnh ray lên thêm khoảng 2,75m để đảm bảo thông thuyền. Cầu Đuống cũ được tháo dỡ các dầm và đập mố trụ để đảm bảo giao thông đường thủy được thông suốt.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.793 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 776 tỷ đồng, xây dựng 680 tỷ đồng, còn lại là quản lý dự án. Công trình dự kiến được triển khai từ nay đến năm 2025.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến hành lang đường thủy số 1 của đồng bằng Bắc Bộ từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cho tàu đến 800 tấn đi lại. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, hàng rời như vật liệu xây dựng, phân bón…từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, hạn chế của tuyến đường thuỷ này là cầu Đuống có tĩnh không 2,8m, bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26m. Tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu mới lưu thông được qua cầu khi nước xuống. Do đó, việc cải tạo điểm ách tắc tại cầu Đuống là yêu cầu cần thiết trong phục vụ giao thông đường thủy.

Ngoài ra, với đường bộ, qua nhiều năm khai thác, cầu Đuống đã bị quá tải do lưu lượng xe quá lớn, trong đó nhiều xe vượt quá trọng tải lớn khiến cho cầu đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu Đuống là cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Vụ thi thể không nguyên vẹn tại quận 7: Nghi phạm đã ly dị vợ, khỏi Covid-19

Chiều 26,9 một vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra tại hẻm 645 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM. Nạn nhân là nam, được phát hiện trong tình trạng thi thể không nguyên vẹn. Nghi phạm sau đó bị tạm giữ là Trần Huy (SN 1987, Lâm Đồng). Qua xét nghiệm nhanh, đối tượng này âm tính với ma tuý và SARS-CoV-2.

Bản tin sáng ngày 27/9: TP HCM đề xuất thay đổi một số tiêu chí “kiểm soát Covid-19”
Nghi phạm bị bắt ngay sau gây án.

Sáng 27/9, một số bạn bè, người dân trong con hẻm đã đến thắp nhang, đốt vàng mã tại hiện trường để cầu nguyện cho nạn nhân.

Theo người dân sống tại đó, nghi phạm là người ít nói, thuê trọ tại đây được 2 năm. Cách đây không lâu, mẹ Huy bị nhiễm Covid-19 và qua đời. Trong quá trình chăm sóc mẹ, nghi phạm cũng bị nhiễm, sau đó tự cách ly tại nhà và đã khỏi bệnh. Được biết đối tượng này đã ly dị vợ.

Nhiều ngày trước khi vụ án mạng xảy ra, nghi phạm đã nhiều lần đi ngang qua khu vực chuồng gà nhà nạn nhân.

Sau khi vụ án mạng xảy ra, khiến nhiều người dân tại khu vực hẻm 645 không khỏi bàng hoàng và không ngủ được.

Hiện trường vụ án nằm sau trong con hẻm nhỏ. Được biết, nạn nhân nam, khoảng 45 tuổi, thuê trọ bán tạp hóa, sống cùng vợ và 2 con. Anh cũng thuê một nơi để nuôi gà cách đó vài trăm mét.

Hai nhân viên điện gió nhiễm Covid-19, đi nhiều nơi, khai báo gian dối

Sáng 26/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, đại phương ghi nhận 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 15 ca liên quan đến chùm ca bệnh tổ 11 (phường Hoa Lư, TP Pleiku) và 2 trường hợp liên quan đến dự án điện gió Ia Le (huyện Chư Puwh) và Ia Pết (huyện Đak Đoa).

Đáng chú ý là chùm ca bệnh liên quan đến dự án điện gió tại Ia Le và Ia Pết, các ca nhiễm gồm H.L.M.T (SN 1993), trú tại đường Nguyễn Văn Cừ (phường Quang Trung, TP Kom Tum) và V.T.H (SN 1971), trú tại đường Nguyễn Thiện Thuật (phường 3, quận 3, TP HCM).

Được biết, hai công nhân này đã khai báo y tế không trung thực để trốn cách ly tập trung. Khai báo di chuyển và điểm đến không đúng, không thực hiện nghiêm các quy định cách ly tại nhà khi đã có quyết định cách ly, cố ý đi lại nhiều nơi trên địa bàn TP Pleiku và huyện Đak Đoa.

Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành truy vết, xét nghiệm khu vực nhà trọ xung quanh với 54 người và cho kết quả âm tính. Ngoài ra, tiến hành khoanh vùng diện rộng với tổ 11, phường Hoa Lư, tiến hành phong toả hẹp đối với các khu vực có mốc dịch tễ liên quan đến các chùm ca bệnh nêu trên.