Bắt đầu từ tuần này sẽ cấp hộ chiếu vaccine

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine bản chất là chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 điện tử.

Trên chứng nhận này bao gồm 11 thông tin, đầy đủ các thông tin của người tiêm chủng gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vaccine; sản phẩm vaccine; nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; mã số của chứng nhận.

Theo đó, người dân đã tiêm chủng vaccine COVID-19 và đã được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống thì sẽ được cấp hộ chiếu vaccine với thông tin tương ứng với số mũi tiêm.

"Hộ chiếu vaccine sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid. Vì vậy, người dân không cần làm thủ tục gì để được cấp hộ chiếu vaccine", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết bản chất của hộ chiếu vaccine điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-Covid hiện nay, chỉ khác là mã hộ chiếu này sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin khi ra nước ngoài.

Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai việc cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Hộ chiếu vaccine về mặt kỹ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn trên, hệ thống sẽ tự động tạo QR mới. Từ ngày 30/3, Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm cấp hộ chiếu vắc-xin cho hơn 1.000 đối tượng tiêm tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trước băn khoăn việc người dân đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng hiện vẫn chưa có thông tin trên hệ thống hoặc thông tin số mũi tiêm chưa được cập nhật đủ, ông Hùng khuyến cáo người dân cần gửi phản ánh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia để được cập nhật dữ liệu hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật. Nếu không có dữ liệu trên hệ thống, sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine.

Với những trường hợp đã tiêm 3 mũi vaccine COVID-19, được cập nhật đầy đủ trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, nhưng do 2 cơ sở tiêm chủng khác nhau thì việc cấp hộ chiếu vaccine sẽ thế nào? Ông Hùng cho biết các cơ sở tiêm chủng sẽ có trách nhiệm ký chứng nhận các mũi tiêm do cơ sở thực hiện tiêm.

"Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ thực hiện ký số tập trung gộp các mũi tiêm và người dân sẽ nhận được mã QR mà không phải làm gì thêm. Ngay cả trường hợp mất giấy xác nhận tiêm chủng nhưng trên hệ thống đã được cập nhật thông tin thì không ảnh hưởng gì đến việc cấp hộ chiếu vaccine", ông Hùng giải thích

Với trường hợp nhập cảnh hoặc đi du lịch đến các nước trên thế giới có được sử dụng hộ chiếu vaccine này, ông Hùng khuyến nghị người dân khi nhập cảnh phải tìm hiểu quy định của quốc gia đó về loại vaccine và số mũi tiêm.

"Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia chấp nhận các loại vaccine và số liều tiêm. Người dân cần tìm hiểu thông tin trước khi nhập cảnh. Việc hộ chiếu vaccine có thể dùng ở những quốc gia nào, cụ thể Bộ ngoại giao và Bộ Thông tin truyền thông vẫn đang phối hợp đàm phán và sẽ có thông tin chính thức", ông Hùng nói.

Bắt đầu từ tuần này Việt Nam sẽ cấp hộ chiếu vaccine COVID-19.
Bắt đầu từ tuần này Việt Nam sẽ cấp hộ chiếu vaccine COVID-19.

Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hiện nay còn khoảng gần 80 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 sai thông tin về căn cước công dân hoặc chưa được nhập lên hệ thống, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để rà soát, xác minh và nhập bổ sung các thông tin.

Hệ thống chỉ cấp hộ chiếu vaccine cho những người dân được xác thực thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Đối với người dân đã tiêm vắc-xin, nếu chưa được cập nhật dữ liệu thông tin trên hệ thống cần liên hệ với cơ sở tiêm hoặc thực hiện phản ánh thông tin trên cổng thông tin. Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở xử lý phản ánh của người dân để đảm bảo quyền lợi của người dân. Người dân khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin để đảm bảo quyền lợi liên quan đến việc cấp chứng nhận giấy cũng như là cấp chứng nhận điện tử", ông Hùng lưu ý.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19, đến sáng 2/4, cả nước đã tiêm 206.338.198 liều vaccine COVID-19. Tỉ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 99% và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 99% và 2 mũi là 94%.

Ngày 3/4: Số mắc COVID-19 mới giảm mạnh còn 50.730 ca

Tính từ 16h ngày 02/4 đến 16h ngày 03/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 50.730 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 50.730 ca ghi nhận trong nước (giảm 14.886 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 27.307 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (6.304), Yên Bái (2.604), Nghệ An (2.599), Quảng Ninh (2.522), Bắc Giang (2.503), Phú Thọ (2.435), Lào Cai (2.034), Thái Bình (1.725), Vĩnh Phúc (1.592), Tuyên Quang (1.420), Lạng Sơn (1.361), Quảng Bình (1.283), Bắc Kạn (1.112), Thái Nguyên (997), Hà Giang (968), Hà Nam (957), Sơn La (948), Bình Định (929), Cao Bằng (789), Lâm Đồng (768), Vĩnh Long (758), Hải Dương (754), Bắc Ninh (735), Hưng Yên (709), Hà Tĩnh (688), Bình Phước (674), Tây Ninh (669), Hòa Bình (591), Bình Dương (589), Lai Châu (572), Cà Mau (565), Quảng Trị (562), Thừa Thiên Huế (555), Ninh Bình (520), Bến Tre (519), Điện Biên (467), Quảng Ngãi (463), Bà Rịa - Vũng Tàu (454), Đắk Nông (437), Đà Nẵng (419), Thanh Hóa (409), Nam Định (368), Phú Yên (362), Hồ Chí Minh (347), Quảng Nam (251), Hải Phòng (247), Trà Vinh (229), Khánh Hòa (194), An Giang (136), Bình Thuận (135), Long An (128), Bạc Liêu (117), Kon Tum (88), Cần Thơ (46), Kiên Giang (44), Đồng Nai (37), Đồng Tháp (19), Ninh Thuận (9), Hậu Giang (9), Tiền Giang (3), Đắk Lắk (2).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam đến chiều 3/4
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam đến chiều 3/4.

Ngày 03/4/2022, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 40.000 ca và Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 11.316 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-3.997), Hà Nội (-1.119), Hà Giang (-1.048).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+144), Bình Định (+95), Bắc Giang (+64).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 75.319 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.818.328 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.311 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.810.591 ca, trong đó có 7.785.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.496.243), TP. Hồ Chí Minh (596.403), Nghệ An (400.607), Bình Dương (378.885), Hải Dương (347.115).

Nghiên cứu, tham khảo quốc tế việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 và cho trẻ dưới 5 tuổi

Đến nay cả nước đã tiêm hơn 206,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ sử dụng đạt 100,6% số vaccine đã phân bổ 135 đợt.

Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta: mũi 1 là 100%, mũi 2 là 99,75, tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 - 17 tuổi mũi 1 là 99,8% và mũi 2 là 95%.

Số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.269.045 liều, trong đó mũi 1: 71.245.455 liều; Mũi 2: 69.559.953 liều ; Mũi bổ sung: 14.935.954 liều và Mũi 3: 33.527.683 liều.

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.191.831 liều, trong đó mũi 1: 8.806.606 liều; Mũi 2: 8.385.225 liều.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine. Đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Nghiên cứu, tham khảo quốc tế việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 và cho trẻ dưới 5 tuổi.
Nghiên cứu, tham khảo quốc tế việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 và cho trẻ dưới 5 tuổi.

Về phía các địa phương, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót;

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở;

Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giao Sở Y tế Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Bộ Y tế nêu rõ, việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành kèm theo các hướng dẫn trước đó.

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế;

Tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ...