Hơn 12.000 trẻ 5-11 tuổi đã tiêm vaccine COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tối 17/4, cả nước có 12.414 trẻ từ 5-11 tuổi đã tiêm vaccine COVID-19.

Bốn địa phương triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi là Quảng Ninh, Hà Nội, TP HCM và Hà Nam. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tiêm cho trẻ độ tuổi này.

Sau Quảng Ninh là Hà Nội. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hôm qua, 15 quận, huyện, thị xã triển khai tiêm vaccine Moderna cho học sinh lớp 6. Tổng số tiêm tính đến cuối giờ chiều là 6.551 mũi. Trước đó, ngày 16/4, ba quận, huyện là Hà Đông, Phú Xuyên và Sóc Sơn tiêm 1.884 mũi vaccine Moderna cho học sinh lớp 6 trên địa bàn. Như vậy, trong 2 ngày 16 và 17/4, Hà Nội triển khai tiêm được 8.435 mũi.

Tại TP HCM, ngày 16/4, toàn thành phố triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Kết quả 10.434 trẻ học lớp 6 trên tổng số 97.064 trẻ được tiêm vaccine tại 96 điểm tiêm.

Hơn 12.000 trẻ 5-11 đã tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: VTC.vn
Hơn 12.000 trẻ 5-11 đã tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: VTC.vn

Số trẻ hoãn tiêm trong đợt này tại TP HCM là 1.379 em, phần lớn do trẻ đã mắc COVID-19 mà chưa đủ thời gian 3 tháng tính từ khi mắc bệnh hoặc những trẻ có tiền sử dị ứng, đang mắc bệnh lý cấp tính.

Bắt đầu từ hôm nay 18/4, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bước vào tuần lễ triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc duy trì, tăng cường công tác tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong tình hình dịch COVID-19. Việc này cũng góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em và giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học. Đặc biệt, tiêm cho trẻ em cũng giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Sáng 18/4: Chỉ còn 1.000 ca COVID-19 nặng đang điều trị

Theo Bộ Y tế, ngày 17/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.660 ca mắc COVID-19 mới, đều ghi nhận trong nước (giảm 3.814 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 11.122 ca cộng đồng. Chỉ có duy nhất Hà Nội có ca mắc mới trong ngày trên 1.000 ca, trong khi cùng thời gian này của tháng 3, số địa phương ghi nhận ca mắc trên 1.000/ngày, thường dao động khoảng ngoài 40 tỉnh, thành.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.432.617 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.506 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.424.870 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.533.658), TP. Hồ Chí Minh (606.626), Nghệ An (475.974), Bình Dương (382.676), Bắc Giang (380.351).

Tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa
Sáng 18/4: Chỉ còn 1.000 ca COVID-19 nặng đang điều trị. Ảnh minh họa

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh là: 8.936.846 ca. Số trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị, giám sát là 1.452.767 người, trong đó số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.070 ca, trong đó:Thở ô xy qua mặt nạ: 754 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 129 ca; Thở máy không xâm lấn: 30 ca; Thở máy xâm lấn: 154 ca và ECMO: 3 ca. Đây là số bệnh nhân nặng đang điều trị thấp nhất trong nhiều tháng qua ở nước ta.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 19 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.944 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Thái Bình trả lời về việc cấp Giấy chứng nhận cho F0 điều trị tại nhà

Ông Đinh Khắc Tiệp trú tại xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà cũng là F0 điều trị tại nhà từ ngày 23/2 đến ngày 3/3. Sau khi khỏi bệnh, ông Tiệp đến Trạm Y tế xã xin giấy nghỉ hưởng BHXH, tuy nhiên Trạm Y tế xã không cấp giấy này cho ông. Hiện tại công ty yêu cầu ông phải nộp giấy nghỉ hưởng BHXH thì mới giải quyết chế độ.

Ông Tiệp hỏi, cơ quan nào sẽ cấp giấy nghỉ hưởng BHXH cho ông?

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động cấp. Bộ Y tế và Sở Y tế Thái Bình đã có các văn bản hướng dẫn như sau:

- Ngày 14/1/2022, Bộ Y tế có Công văn số 238/BYT-KCB về việc hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động điều trị COVID-19, theo đó Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản Luật, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT để bảo đảm các quy định, phù hợp với tình hình thực tế.

- Ngày 2/3/2022, Bộ Y tế có Tờ trình số 279/TTr-BYT trình Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động bị mắc COVID-19. Bộ Y tế đã đề xuất phương án hồ sơ giải quyết đối với người lao động bị mắc COVID-19, để giải quyết vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giảm thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Ngày 2/3/2022, Sở Y tế Thái Bình có Công văn số 424/SYT-NVY gửi các sở, ban, ngành, đơn vị doanh nghiệp, UBND huyện, thành phố và các đơn vị y tế trong tỉnh về việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà, theo đó Sở Y tế có ý kiến thủ tục để hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà phải chờ văn bản hướng dẫn mới của Bộ Y tế và đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp thực hiện, quán triệt, tư vấn, hướng dẫn người dân, người lao động bị mắc COVID-19 cùng thực hiện theo quy định; tạm thời chưa cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà cho đến khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

Vì vậy, hiện nay thủ tục để hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà phải chờ văn bản hướng dẫn mới của Bộ Y tế.