Chính phủ ra Nghị quyết về vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Ngày 14/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi viện trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.

Bộ Y tế căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine, nguồn viện trợ, nguồn vaccine có thể mua thương mại để xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, loại vaccine nhận viện trợ, mua thương mại bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả; không để bị động, không thừa, thiếu hụt vaccine trong mọi hoàn cảnh.

Trường hợp cần mua vaccine thương mại để tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế chủ động xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, thời gian và chủng loại vaccine cần mua phù hợp với tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu với các điều kiện như các Nghị quyết của Chính phủ về mua vaccine COVOID-19 đối với người lớn.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tiếp nhận viện trợ, mua và tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hợp lý, an toàn, khoa học, hiệu quả, đúng tiến độ.

Cũng trong sáng 14/4, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022" và phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới dưới 12 tuổi .

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau lễ phát động. Ngay sau lễ phát động, gần 200 học sinh lớp 6 của Trường THCS Trần Quốc Toản đủ điều kiện tiêm chủng đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi hơn 7.672 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, đến cuối ngày 14/4, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã huy động được 8.971,96 tỷ đồng; trong đó, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 62,7 tỷ đồng.

Ban quản lý Quỹ cho biết, đã có 611.421 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ.

Tính đến thời điểm hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua và sử dụng vaccine 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng nên dư cuối ngày 1.299,76 tỷ đồng.

Tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa

Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi hơn 7.672 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Để bảo đảm minh bạch, công bằng, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã công khai đầy đủ các đơn vị, tổ chức, bao gồm cả những đơn vị đã chuyển tiền hoặc đã cam kết nhưng sẽ chuyển sau. Các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển tiền đóng góp đều có xác nhận rõ ràng, thống kê đầy đủ.

Đây là cơ sở để cơ quan thuế tính chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.

Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hằng ngày.

Từ hôm nay cấp hộ chiếu vaccine cho người dân

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 đến nay cả nước đã tiêm gần 209 triệu liều vaccine COVID-19. Tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 và mũi 2 là gần 100%, và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt trên 51%. Đối với người từ 12 đến dưới 19 tuổi, mũi 1 là 99,9% và mũi 2 là 95,3%.

Hộ chiếu vaccine được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, để biết hộ chiếu vaccine được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào, người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Biểu mẫu hộ chiếu vaccine đã được Bộ Y tế ban hành từ tháng 12/2021 gồm 11 trường thông tin, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vaccine... Thông tin được hiện thị bằng mã QR Code để bảo mật, tránh sai sót lộ, lọt thông tin cá nhân.

Hộ chiếu vaccine sử dụng kết hợp với giấy tờ định danh như căn cước, hộ chiếu... Đây là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu (EU) ban hành. Hộ chiếu vaccine sẽ hiển thị thông tin tiêm loại vaccine, số mũi vaccine đã tiêm.

Thời hạn của hộ chiếu vaccine điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới. Hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

Đến ngày 08/12, Việt Nam đã công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, hay còn gọi là hộ chiếu vaccine của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Từ hôm nay cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.

Bộ Y tế thông tin, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.

Người dân sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine nếu các thông tin tiêm chủng sai sót, thiếu mũi tiêm, ngoài ra không cần thực hiện thêm thủ tục gì khác. Với người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungCOVID19.gov.vn để được bổ sung, cập nhật", đại diện Bộ Y tế khuyến cáo.

Trước đó, từ ngày 8/4, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thực hiện xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số. Cơ sở nào nhập dữ liệu mũi tiêm thì chịu trách nhiệm ký duyệt thông tin tiêm chủng.

Bộ Ngoại giao cho biết đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước. Các nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.

Người mang hộ chiếu vaccine được Việt Nam và các nước công nhận được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…

Ngày 14/4: Có 23.012 ca COVID-19 mới; số khỏi bệnh gấp gần 4 lần số mắc

Tính từ 16h ngày 13/4 đến 16h ngày 14/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 23.012 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 23.012 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.611 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 18.570 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.677), Phú Thọ (1.279), Nghệ An (976), Yên Bái (945), Vĩnh Phúc (936), Quảng Ninh (897), TP. Hồ Chí Minh (877), Đắk Lắk (850), Lào Cai (748), Tuyên Quang (729), Bắc Kạn (715), Bắc Giang (682), Hải Dương (651), Bắc Ninh (629), Quảng Bình (626), Thái Nguyên (587), Lạng Sơn (520), Thái Bình (516), Lâm Đồng (489), Cao Bằng (429), Hưng Yên (407), Quảng Trị (387), Ninh Bình (360), Sơn La (350), Nam Định (335), Gia Lai (323), Đà Nẵng (316), Điện Biên (300), Hà Tĩnh (273), Tây Ninh (267), Hà Nam (254), Bình Định (252), Lai Châu (244), Bình Phước (244), Hòa Bình (234), Quảng Nam (232), Vĩnh Long (227), Bến Tre (216), Cà Mau (211), Đắk Nông (207), Bình Dương (194), Quảng Ngãi (152), Hải Phòng (151), Bà Rịa - Vũng Tàu (143), Hà Giang (113), Thanh Hóa (112), Thừa Thiên Huế (94), Khánh Hòa (92), Phú Yên (82), Long An (81), Đồng Tháp (79), Bình Thuận (67), Kiên Giang (50), An Giang (43), Bạc Liêu (32), Trà Vinh (28), Kon Tum (25), Ninh Thuận (22), Cần Thơ (18), Đồng Nai (16), Sóc Trăng (16), Hậu Giang (5).

Biểu đồ số ca mắc mới COVID-19 đến chiều ngày 14/4 tại Việt Nam
Biểu đồ số ca mắc mới COVID-19 đến chiều ngày 14/4 tại Việt Nam.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-348), Hải Dương (-246), Vĩnh Phúc (-211).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+195), Quảng Bình (+154), Ninh Bình (+115).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 27.914 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.320.599 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 104.374 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.312.852 ca, trong đó có 8.853.810 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.529.619), TP. Hồ Chí Minh (604.853), Nghệ An (419.652), Bình Dương (382.306), Bắc Giang (378.008).