TP HCM có bộ tiêu chí an toàn phòng dịch COVID-19 mới nhất

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Quyết định này thay thế cho tất cả các quyết định ban hành Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19 trước đây.

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá có sáu tiêu chí an toàn chung gồm đeo khẩu trang, đảm bảo không khí, tiêm vaccine phòng COVID-19, vệ sinh khử khuẩn, kiểm soát người đến các địa điểm, phương án phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, tất cả người dân, người lao động, người lao động, người tham gia các hoạt động phải đeo khẩu trang theo quy định.

Việc này không áp dụng với nhóm trẻ mầm non; người đang biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao nhưng không phải là người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19; người đang ăn uống.

Tất cả cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở trong thời gian làm việc, sinh hoạt… phải để thông khí. Đối với các không gian kín phải có biện pháp thông thoáng.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vaccine đủ các mũi theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 3 tháng đối với toàn bộ người lao động, học sinh, sinh viên, cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy… phải đạt 90%.

Phải sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra/vào, đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Tổ an toàn COVID-19 cũng như có kế hoạch phòng, chống dịch.

Bên cạnh bộ tiêu chí chung, TP HCM cũng quy định bộ tiêu chí đặc thù gồm chín tiêu chí áp dụng theo hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trong đó, cơ sở trợ giúp xã hội, giam giữ, cai nghiện ma túy phải đảm bảo tiêu chí quản lý và chăm sóc y tế, gồm nhân viên được tập huấn, bồi dưỡng phòng chống dịch; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ; thực hiện tầm soát SARS-Cov-2 đối với người mới nhập vào cơ sở; bố trí khu vực cách ly F0…

Ký túc xá, khu nội trú của cơ sở giáo dục cần lập danh sách người có nguy cơ; bố trí khu vực cách ly F0 và phòng ở phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 4m2/người…

Bản tin COVID-19 sáng 23/4:
Người dân được yêu cầu tiếp tục đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động trên địa bàn TP. Ảnh: Người Lao động

Cơ sở sản xuất cần có bộ phận y tế hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ y tế; bộ phận y tế được tập huấn kiến thức phòng chống dịch; khu vực cách ly cho F0. Ngoài phải thực hiện giãn cách hoặc lắp vách ngăn, vệ sinh, khử khuẩn trước và sau mỗi ca ăn.

Cơ sở lưu trú phải kiểm soát và quản lý, chăm sóc khách đến lưu trú. Còn cơ sở giáo dục và đào tạo bảo đảm diện tích sàn tối thiểu của các lớp học (mầm non, nhà trẻ 1,5 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24 m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36 m2/phòng đối với lớp mẫu giáo; cấp tiểu học diện tích trung trình một học sinh là 1,25 m2 và trung học là 1,5 m2); đảm bảo an toàn trong hoạt động bán trú.

Ngoài ra, TP HCM còn quy định tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống. Trong đó, khu vực ăn uống đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ; người đi trong khu vực phải đeo khẩu trang; giãn cách phù hợp; đủ dụng cụ ăn uống đảm bảo riêng biệt cho từng người và vệ sinh sạch sẽ.

Theo đánh giá của Bộ tiêu chí, nếu mức độ an toàn đạt trên 80% thì đơn vị tiếp tục hoạt động. Từ 70% - 80% là mức độ an toàn trung bình, đơn vị tiếp tục hoạt động và trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt.

Còn nếu mức độ an toàn dưới 70% hoặc không đạt tiêu chí an toàn chung thì chưa đảm bảo an toàn, đơn vị sẽ tạm ngưng hoạt động và phải khắc phục.

UBND TP HCM cũng vừa ban hành quyết định về kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, đối tượng kiểm tra là các sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức; các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Việc kiểm tra thực hiện đột xuất từ tháng 4/2022. UBND TP cho biết công tác kiểm tra phòng chống dịch nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND TP. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, giúp các đơn vị, cơ quan phát hiện thiếu sót để có giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Sáng 23/4: Dịch ở nước ta giảm cả 4 tiêu chí

Theo thống kê của Bộ Y tế, dịch COVID-19 ở nước ta diễn biến tích cực, có xu hướng giảm mạnh 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: số ca cộng đồng giảm 56,5%; ca tử vong giảm 60,5%; ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%; ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%. Thiết lập tháp 3 tầng điều trị hậu COVID-19 tại TP HCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 22/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.160 ca nhiễm mới, giảm 869 ca so với ngày trước đó tại 59 tỉnh, thành phố (trong đó có 8.015 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.544.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.600 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.536.576 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.537.814), TP. Hồ Chí Minh (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã đã khỏi bệnh ở nước ta là : 9.079.265 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 822 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 533 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 173 ca; Thở máy không xâm lấn: 30 ca; Thở máy xâm lấn: 84 ca; ECMO: 2 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua là 11 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.998 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Bản tin COVID-19 sáng 23/4:
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 22/4.

Dịch bệnh COVID-19 có xu hướng giảm cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua

Theo Bộ Y tế, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.

Hiện nay số ca mắc chỉ còn dưới 15.000 ca mắc mới trong ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta (riêng TP. Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021 đến nay). Cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tiêm vaccine COVID-19 có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ?

Gửi tới Báo Pháp luật TP HCM, một phụ huynh có câu hỏi như sau: Bé nhà tôi năm nay 11 tuổi, nhà trường thông báo sắp tới sẽ tiêm phòng vaccine COVID-19 nhưng gia đình đang băn khoăn liệu vaccine phòng COVID-19 có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bé hay không?

Trả lời:

TS-BS Lê Kiến Ngãi,Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện nhi Trung ương cho biết:

Thắc mắc này của nhiều phụ huynh là điều dễ hiểu bởi vaccine phòng COVID-19 được nghiên cứu và phát triển trong thời gian rất ngắn, đối tượng tiêm lại rất nhạy cảm – trẻ chưa dậy thì.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, quá trình từ nghiên cứu, phát triển đến đưa vaccine ra sử dụng là quá trình rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Khi một vaccine đã đưa ra sử dụng thì tất cả quá trình từ tính hiệu quả, an toàn đã phải được kiểm chứng mới được cấp phép, dù sẽ cần tiếp tục theo dõi, đánh giá về mặt lâu dài.

Hai loại vaccine mRNA được tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam (Pfizer và Moderna) bản chất là mRNA thông tin, có chức năng khi xâm nhập vào tế bào sẽ gắn với một thành phần của tế bào gọi là riboxome để tổng hợp protein. Chính nhờ chức năng này mà tế bào tổng hợp được protein gai của SARS-CoV-2 có thành phần kháng nguyên để kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Chức năng của mRNA sẽ gắn với riboxome, tổng hợp xong protein là hết chức năng và nó sẽ được các enzyme của tế bào tiêu hủy, không xâm nhập vào nhân tế bào. Như vậy, về mặt cơ chế, vaccine COVID-19 không tác động, không ảnh hưởng đến nhân tế bào, không làm biến đổi cấu trúc di truyền của cơ thể. Do đó, cha mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề ảnh hưởng của vaccine đến khả năng sinh sản của trẻ sau này.

Bản tin COVID-19 sáng 23/4:
Về mặt cơ chế, vaccine COVID-19 không tác động, không ảnh hưởng đến nhân tế bào, không làm biến đổi cấu trúc di truyền của cơ thể. Ảnh: VGP

Đến nay, thế giới đã sử dụng 3 loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em, gồm: vaccine mRNA, vaccine bất hoạt toàn virus và vaccine tái tổ hợp.

Đối với vaccine mRNA mà Việt Nam sẽ tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện có hơn 50 quốc gia trên thế giới đã tiêm hoặc có kế hoạch tiêm, phần lớn ở các nước phát triển, khu vực Châu Âu, Mỹ. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương cũng có gần 20 quốc gia. Như vậy, Việt Nam sẽ sử dụng loại vaccine giống với lựa chọn của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Với vaccine virus bất hoạt toàn virus, theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay cũng có một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã tiêm gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, Campuchia, Chile, UAE... sử dụng.

Vaccine tái tổ hợp hiện có Cuba, Venezuela đã sử dụng.