Thủ tướng yêu cầu xem xét điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ chuyển báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đến Bộ Y tế để nghiên cứu xử lý, trong đó lưu ý việc xem xét điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch 5K cho phù hợp với tình hình thực tế và kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát tình trạng thuốc giả trên thị trường.

Theo báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, vừa qua báo chí phản ánh nhiều quy định phòng, chống Covid-19 như 5K, cách ly ca nhiễm, xét nghiệm khi nhập cảnh Việt Nam... đã không còn phù hợp thực tế, nhưng chưa được điều chỉnh.

Thủ tướng yêu cầu xem xét
Thủ tướng yêu cầu xem xét điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay thông điệp 5K nên điều chỉnh còn "khẩu trang" và "khử khuẩn" là phù hợp. Tương tự, có ý kiến đề xuất nên dừng quy định người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng PCR hoặc test nhanh.

Trước đó, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế không cứng nhắc trong việc áp dụng biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).

"Trước hết, chúng ta thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, xà phòng. Đây là 2K chúng ta thực hiện thường xuyên", ông Tuyên nói.

Chiều 10/5: Hơn 10 triệu người Việt có hộ chiếu vaccine

Thông tin của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết đến hết nay, khoảng hoqn 10 triệu người Việt Nam đã có xác nhận hộ chiếu vaccine điện tử. Con số này tăng thêm khoảng hơn 4 triệu người so với thống kê trước đó 5 ngày.

Hộ chiếu vaccine điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng COVID-19 của người dân. Hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

Liên quan đến công tác tiêm chủng và ký xác nhận hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế vừa ban hành kèm theo Công văn số 2262/BYT-CNTT quy trình "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19. Trong đó, có 3 trường hợp thông tin bị sai sẽ được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Không có số Chúng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD).

- Sai định dạng số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.

- Sai thông tin cá nhân cơ bản như: số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.

Hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa
Hơn 10 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa

Tại công văn trên, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6/2022. Việc này nhằm giúp cho việc ký xác thực hộ chiếu vaccine điện tử của công dân...

Theo Công nghệ thông tin, Bộ Y tế: Hộ chiếu vaccine sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an bổ sung chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine trên ứng dụng VNEID. Hiện nay đơn vị đầu mối của hai Bộ đang làm việc để sớm hoàn thiện

Do đó người dân cần vào các ứng dụng trên để kiểm tra xem mình đã có hộ chiếu vaccine hay chưa.

Thế giới đã ghi nhận trên 517,8 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 10/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 517.883.701 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.278.435 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 472.751.672 người.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, với 83.688.188 ca mắc và 1.024.752 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 43.107.689 ca mắc và 524.103 ca tử vong. Với 30.574.245 ca mắc và 664.248 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát dịch sau khi có thêm nhiều ca được ghi nhận. Cơ quan y tế Bắc Kinh cho biết kể từ ngày 12/5, người dân vào những nơi công cộng được yêu cầu cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ. Bắt đầu từ 10/5, Bắc Kinh sẽ tiến hành xét nghiệm acid nucleic trên toàn thành phố chia theo quận và theo ngày.

Tính đến ngày 9/5, Bắc Kinh đã tổ chức 9 đợt xét nghiệm acid nucleic hàng loạt trên toàn khu vực. Trong khi các quận đang thực hiện những đợt xét nghiệm đại trà mới, toàn bộ các nhà hàng trên toàn thành phố tiếp tục tạm dừng các dịch vụ ăn uống tại chỗ, các buổi biểu diễn, địa điểm giải trí, phòng tập thể dục và quán cà phê Internet cũng tạm thời đóng cửa.

Một số trung tâm mua sắm và công viên đã thông báo ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các trường tiểu học và trung học, mẫu giáo và trung học dạy nghề ở Bắc Kinh cũng tạm ngừng hoạt động và việc giảng dạy sẽ được thực hiện trực tuyến.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện có hơn 135,9 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.638.777 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai về số ca nhiễm, hiện là hơn 104,5 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai về số ca tử vong, với 1.341.740 ca.

Thế giới đã ghi nhận trên 517,8 triệu ca mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Tại Lào, Ủy ban quốc gia về Phòng chống COVID-19 của nước này đã khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới sau khi Lào mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.

Theo ủy ban trên, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp trên thế giới, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và mở cửa du lịch trở lại có thể sẽ gây ra một làn sóng lây nhiễm mới. Để tránh nguy cơ, người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội và thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh tay…

Ủy ban trên cũng khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên đi tiêm. Đến nay đã có hơn 5,7 triệu người (78,88% dân số Lào) được tiêm mũi vaccine thứ nhất, và hơn 4,9 triệu người (67,57%) đã được tiêm mũi vaccine thứ 2, trong khi khoảng hơn 19,9% đã được tiêm mũi tăng cường.

Còn tại Việt Nam, tính từ 16h ngày 09/5 đến 16h ngày 10/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.855 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 2.854 ca ghi nhận trong nước (tăng 679 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố (có 2.467 ca trong cộng đồng).

- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (577), Phú Thọ (230), Vĩnh Phúc (156), Bắc Ninh (130), Nghệ An (109), Quảng Ninh (106), Tuyên Quang (99), Yên Bái (97), Bắc Kạn (85), Lâm Đồng (76), Quảng Trị (74), Hưng Yên (73), Thái Bình (71), Hải Dương (68), Đà Nẵng (60), Nam Định (60), Hà Nam (58), Lào Cai (52), Lai Châu (48), Quảng Bình (46), Cao Bằng (43), Thái Nguyên (43), Ninh Bình (35), Gia Lai (35), Sơn La (34), Hòa Bình (33), Bà Rịa - Vũng Tàu (30), Hà Giang (28), Hà Tĩnh (28), Hải Phòng (27), Lạng Sơn (25), Bình Phước (22), Bình Dương (21), Quảng Ngãi (20), Điện Biên (20), Thanh Hóa (18), Bắc Giang (18), Vĩnh Long (18), TP. Hồ Chí Minh (17), Tây Ninh (15), Bình Thuận (14), Thừa Thiên Huế (9), Khánh Hòa (8 ), Phú Yên (3), Long An (3), Bến Tre (3), Sóc Trăng (3), Cà Mau (2), Đồng Nai (1), Bình Định (1), Trà Vinh (1), Hậu Giang (1).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-28), Hà Nội (-24), Quảng Ngãi (-16).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+130), Phú Thọ (+117), Vĩnh Phúc (+80).

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.122 ca/ngày.