Bản tin bất động sản ngày 6/9

Lào Cai: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội tại Khu dân cư giáp đường B6 kéo dài ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai.

Bản tin bất động sản ngày 6/9: Lào Cai Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội
Dự án Nhà ở xã hội tại Khu dân cư giáp đường B6 kéo dài ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai.

Theo quyết định, dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng là 42.317,7m2 tại Khu dân cư giáp đường B6 kéo dài ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai. Quy mô đầu tư xây dựng 4 khối nhà ở xã hội cao tối đa 25 tầng, dự kiến cung cấp khoảng 2.192 căn hộ. Trong đó, 03 khối nhà ở xã hội với quy mô 25 tầng, không có tầng hầm, diện tứng xây dựng khoảng 6.146m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 121.484m2, dự kiến cung cấp khoảng 1.382 căn hộ; 01 khối nhà ở xã hội với quy mô tối đa 25 tầng, có 1 tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.004m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 77.263m2, dự kiến cung cấp khoảng 810 căn hộ. Tổng vốn đầu tư khoảng trên 2.000 tỷ đồng

Tiến độ thực hiện dự án sẽ đầu tư xây dựng trong thời gian 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bắc Giang: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang đến năm 2040

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang đến năm 2040 (tỷ lệ 1/25.000).

Phạm vi lập điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang trên toàn bộ địa giới hành chính của huyện Lạng Giang. Ranh giới nghiên cứu được giới hạn phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng; phía Đông giáp huyện Lục Nam; phía Tây giáp huyện Tân Yên, Yên Thế.

Quy mô diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 244km2.

Về tính chất, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh Bắc Giang, đầu mối giao thông đường bộ của vùng, quốc gia trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn, hướng tới đô thị loại IV và thị xã trong tương lai; là đầu mối giao thông đường bộ của vùng, quốc gia; là trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, phát triển công nghiệp xanh; sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao; là vùng phát triển đô thị bền vững, hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; là trung tâm Tiểu vùng phía Bắc của các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang với thị trấn Vôi là đô thị trung tâm tiểu vùng; là vùng phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa, di tích lịch sử; là vùng phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu nhằm cụ thể hóa những định hướng chiến lược phát triển của quốc gia, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đắk Lắk: Bổ sung quy hoạch 1.099ha đất rừng làm các dự án

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của điều 1, Quyết định 965/2009 về phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2020.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk bổ sung việc quy hoạch cho mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp để triển khai các trình tự, thủ tục thực hiện các công trình/dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định có tổng diện tích hơn 3.508ha. Trong đó, hơn 2.409ha không còn rừng (sản xuất hơn 2.285ha, phòng hộ hơn 59ha và đặc dụng gần 64ha). Diện tích đất có rừng 1.099ha (đất có rừng tự nhiên hơn 443ha; còn lại là đất có rừng trồng); Số diện tích trên chưa được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng thì quản lý theo quy chế quản lý ba loại rừng (gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng sửa đổi một số nội dung khác, như tăng độ che phủ rừng từ 47% (giai đoạn 2009-2010) lên 52,67% (giai đoạn 2016-2020). Trong đó, tổng diện tích có rừng cũng tăng tương ứng từ hơn 600.000ha lên hơn 667.000ha (cơ cấu); giao khoán rừng từ 5.000ha lên 8.000ha; trồng rừng từ 6.000ha/năm lên 7.000ha/năm (số liệu tương ứng giai đoạn 2009-2010 và 2016-2020).

Đối với quy hoạch rừng tự nhiên đến năm 2020, cơ cấu diện tích đất nông nghiệp giữ nguyên; đất lâm nghiệp có rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) cơ cấu tăng từ từ hơn 600.000ha lên 667.000ha.

UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và nội dung quy hoạch và bảo vệ phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2020, cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được quyết định hoặc phê duyệt.

Hà Nội: Khởi công, động thổ 4 cụm công nghiệp tại huyện Đông Anh

Ngày 5/9, diễn ra Lễ khởi công, động thổ Nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.

4 cụm công nghiệp được khởi công, động thổ, gồm: Cụm công nghiệp Thiết Bình có diện tích khoảng 20,98 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài...

Cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà có diện tích 21,99 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 426,776 tỷ đồng, tập trung thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề chủ yếu như sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,... cũng như các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng dầu)...

Cụm Công nghiệp Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, do Công ty CP Đông Thành Hà Nội là chủ đầu tư, có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 336,78 tỷ đồng, ngành nghề hoạt động chủ yếu bao gồm: Tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,... các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng dầu)...

Cụm công nghiệp Thụy Lâm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thanh Bình chủ đầu tư, có diện tích 17ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 326,243 tỷ đồng, với ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất, chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,... các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng dầu)...