TP.HCM trình việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 500ha để làm dự án

UBND TP.HCM vừa có tờ trình HĐND TP.HCM đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500ha để thực hiện dự án trên địa bàn TP.HCM.

Việc này nhằm thực hiện Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo tờ trình, TP.HCM sẽ lấy ý kiến cộng đồng về vị trí, quy mô sử dụng đất của dự án đầu tư; ảnh hưởng đối với người có đất bị thu hồi (đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề) và tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất đến cộng đồng dân cư.

Lấy ý kiến trực tiếp người có đất bị thu hồi, cộng đồng dân cư thông qua đại diện của điểm dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở địa phương nơi có đất chuyển mục đích. Đồng thời, lấy ý kiến bằng văn bản của các sở, ngành có liên quan, UBND cấp xã nơi có đất chuyển mục đích.

Sau khi có Nghị quyết của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM sẽ xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Dự kiến, tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500ha để thực hiện dự án trên địa bàn TP.HCM sẽ được UBND TP trình HĐND TP vào kỳ họp tháng 9-2023.

Gia Lai phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% vào năm 2030

Theo Chương trình hành động số 63-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40%.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng, Gia Lai hiện có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP. Pleiku), 3 đô thị loại IV (thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê), 14 đô thị loại V (riêng Ia Pa chưa có quyết định thành lập thị trấn) và 1 khu kinh tế (Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 31% và không đồng đều, tập trung ở TP. Pleiku và 2 thị xã.

Bản tin bất động sản ngày 16/8: Gia Lai phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% vào năm 2030
Gia Lai tiếp tục xây dựng TP. Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên theo hướng đô thị thông minh, Cao nguyên xanh, vì sức khỏe. Ảnh: Hà Duy/Báo Gia Lai

Để hoàn thành mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% vào năm 2030, Gia Lai tiếp tục từng bước nâng cao các đô thị hiện hữu và hình thành các đô thị ở các vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn thiện, có nhiều động lực phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tiếp tục xây dựng TP. Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên theo hướng đô thị thông minh, Cao nguyên xanh, vì sức khỏe; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở hình thành 3 vùng động lực là thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

An Giang kêu gọi nhà đầu tư cho khu đô thị 635 triệu USD

Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang vừa có thông báo 269 gửi các nhà đầu tư quan tâm đến dự án Khu đô thị phía Tây TP. Long Xuyên nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất qua mạng.

Theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, dự án khu đô thị này có quy mô gần 217 ha, nằm tại phường Mỹ Thới và Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, thuộc Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 Khu đô thị phía Tây TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (phân khu 5) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2446 (ngày 25/10/2021).

Quy mô dân số dự kiến khoảng 46.318 người. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án hơn 15.251 tỷ đồng, trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 12.175 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 3.076 tỷ đồng.

Nhà đầu tư được thực hiện dự án khu đô thị trong 10 năm, kể từ ngày được chọn. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm tính từ khi nhà đầu tư được giao đất. Hiện trạng đất của dự án gồm nhiều loại, trong đó có đất ở và trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng.

Đồng thời, chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Hà Nội: Triển khai giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 tại xã Đức Thượng, Đông La (Hoài Đức)

Ngày 15/8, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức phối hợp với UBND các xã: Đức Thượng, Đông La tổ chức hội nghị thông báo chủ trương thu hồi đất, phổ biến các văn bản pháp lý và chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi thực hiện dự án.

Tại xã Đức Thượng, đợt này có 23 hộ dân có đất ở phải thu hồi phục vụ dự án đường Vành đai 4, tổng diện tích hơn 1.000m2. Tại hội nghị, các hộ dân được nghe lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức thông tin về căn cứ pháp lý; nguyên tắc bồi thường về đất ở khi nhà nước thu hồi đất ở; xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ; các khoản hỗ trợ khác như: Ổn định đời sống, thuê nhà, địa điểm di chuyển tạm cư đối với hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội phải di chuyển chỗ ở; điều kiện được cấp tái định cư; bồi thường hỗ trợ tài sản, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất…

Tại xã Đông La, đại diện các hộ dân của xã dự họp và được cơ quan chức năng huyện Hoài Đức thông báo về việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án "Chỉnh trang, cải tạo, mở rộng nghĩa trang nhân dân thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức", nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn qua địa bàn xã. Theo đó, 10 hộ dân có đất nằm trong phạm vi dự án, có tổng diện tích phải thu hồi 2.149m2 đất nông nghiệp được nghe phổ biến chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Những thông tin bất động sản ngày 16/8 sẽ được cập nhật trong các bản tin tiếp theo.