5 lời khuyên để ứng phó với suy thoái kinh tế
Theo chuyên gia, một cuộc suy thoái đang đến gần (Ảnh: Freepik).
Không ít người đang lo lắng về một cuộc suy thoái kinh tế đang rình rập. Mặc dù chưa thể dự đoán chính xác khi nào nền kinh tế diễn biến theo chiều hướng xấu đi nhưng tin tốt là hiện tại kinh tế vẫn chưa suy thoái.
Điều đó có nghĩa bây giờ là thời điểm tốt nhất để bạn chuẩn bị tài chính sẵn sàng ứng phó khi suy thoái xảy ra.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích của chuyên gia dành cho bạn.
Cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết
Gần đây, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh, trong đó có những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và thực phẩm. Đã đến lúc bạn phải xem xét lại ngân sách và xác định một số khoản chi tiêu cần cắt giảm như các dịch vụ hoặc sản phẩm không phải là đồ thiết yếu.
Không có sự tuyệt đối rõ ràng trong xác định một nhu cầu hay mong muốn đó là thiết yếu hay không vì có những thứ có vẻ như không cần thiết với một số người nhưng lại là cần thiết với người khác. Quan trọng là bạn cần cân nhắc các ưu tiên hiện tại của bạn với các mục tiêu dài hạn.
Lập quỹ khẩn cấp
Một quỹ khẩn cấp là hoàn toàn cần thiết cho dù có suy thoái hay không. Khoản tiết kiệm này giúp bạn tránh phải vay tiền để trang trải các chi phí không lường trước được như sửa chữa, chữa bệnh hoặc mất việc làm.
Thật ngạc nhiên khi rất nhiều người không chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ. Theo một nghiên cứu từ Bankrate, 25% người Mỹ nói rằng họ không có khoản tiết kiệm nào cho trường hợp khẩn cấp.
Ban đầu, bạn nên để vào quỹ số tiền tương ứng 6 tháng chi tiêu, bao gồm chi cho các khoản cần thiết như tiền thuê nhà, điện nước và hàng tạp hóa. Con số đó thoạt nghe có vẻ cao, nhưng bạn hoàn toàn có thế xây dựng nên khoản tiết kiệm từ những đóng góp nhỏ theo thời gian.
Trả hết nợ lãi suất cao càng sớm càng tốt
Điều cuối cùng bạn muốn giải quyết trong thời kỳ suy thoái là khoản nợ lãi cao đang đè nặng lên bạn. Lãi suất có thể tăng cao hơn nữa, khiến bạn phải trả một số tiền lãi khổng lồ hàng năm.
Sau khi trả hết nợ, bạn sẽ có đủ ngân sách để đầu tư vào những việc khác, chẳng hạn như phát triển quỹ khẩn cấp hoặc bù đắp cho việc tăng giá tiêu dùng.
Suy nghĩ về sự nghiệp
Các cuộc suy thoái lịch sử đi đôi với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, điều đó có nghĩa là bạn cần chuẩn bị sự nghiệp cho thời kỳ suy thoái tiếp theo.
Bạn hãy duy trì liên lạc với những người khác trong lĩnh vực của bạn. Thông thường, giáo dục đại học đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, vì vậy đây có thể là lúc bạn quay lại trường học nếu bạn có ý định. Thêm các kỹ năng mới hoặc củng cố những kỹ năng hiện tại của bạn có thể mang lại cho bạn lợi thế trong một thị trường việc làm cạnh tranh hơn trong tương lai.
Giữ bình tĩnh và tiếp tục kế hoạch
Cuộc suy thoái có thể khiến bạn lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là khi liên quan đến các khoản đầu tư. Việc khoản đầu tư bị lỗ có thể đáng lo ngại, nhưng điều quan trọng là bạn không nên có những động thái bồng bột.
Thay đổi chiến lược đầu tư có thể gây bất lợi cho bạn về lâu dài bởi thị trường thường phát triển trong dài hạn và hoạt động theo những cách bạn có thể không ngờ tới. Một ví dụ điển hình là thị trường chứng khoán đã phục hồi hoàn toàn sau khi giảm hơn 30% vào tháng 3/2020.
Để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái trong tương lai, bạn chỉ cần xem xét và cân bằng lại một số khoản đầu tư. Có một danh mục đầu tư đa dạng sẽ giúp bạn giảm thiểu thiệt hại trong một thị trường đầy biến động.
Chắc chắn suy thoái kinh tế sẽ khiến mọi người lo lắng. Tuy nhiên, với một kế hoạch cụ thể chuẩn bị trước, bạn có thể kiểm soát tốt tình hình, do đó giảm bớt căng thẳng. Hãy nhớ, không bao giờ là muộn để kiểm tra lại tình hình tài chính và bây giờ là thời điểm phù hợp để bạn bắt đầu.