Sự hưng phấn của nhà đầu tư tiếp tục lan tỏa, song kết thúc VN-Index chỉ còn tăng 1,9 điểm lên 1.241,95 điểm. Hiện tại, lực cầu được kỳ vọng gia tăng trở lại khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.230-1.240 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5, tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index chỉ còn tăng 1,9 điểm lên 1.241,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 780,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 17.847,2 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,08 điểm lên 212,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 68,5 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.070 tỷ đồng.
VN30-Index chốt phiên trong sắc đỏ, giảm 0,06% với 12 mã tăng/13 mã giảm. So với phiên sáng, rổ blue-chips có tới 20 mã tụt giá và chỉ 5 mã lên cao hơn. Đặc biệt nhiều trụ lớn suy yếu rõ rệt.
Trong đó, đại diện tăng giá là BVH khi +3% lên 47.500 đồng, khớp 1,03 triệu đơn vị. Các mã tăng khá cũng đều hạ nhiệt, với FPT, TCB, TPB, VPB, GAS theo sau với mức tăng chỉ còn 1% đến 1,8%.
Ở chiều ngược lại, mức giảm cũng không đáng ngại, với hai cổ phiếu mất điểm lớn nhất cũng chỉ trên dưới 2,5% đôi chút là BCM và GVR. Các cổ phiếu HPG, LPB, SHB, STB giảm 1% đến 1,7%. Trong đó, SHB vẫn duy trì là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 54,1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì mức tăng cao không còn nhiều, với JVC, ITD, VPG và NVL đóng cửa ở mức giá trần. Trong đó, NVL vươn lên là cổ phiếu khớp lệnh đứng thứ hai toàn sàn với gần 37 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 4,55 triệu đơn vị.
Cổ phiếu bất động sản phân hóa hơn trong phiên chiều sau đầu phiên tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu NVL duy trì mức tăng trần, với 37 triệu cổ phiếu giao dịch khớp lệnh, khối ngoại mua ròng 4,52 triệu đơn vị; PDR (3,19%), SJS (3,67%), TAL (1,67%), CEO (1,6%) là những mã tăng đáng chú ý khác. Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu từng có lúc tăng trước khi quay đầu giảm điểm là VPI (-2,5%), DXS (-1,41%), KSF (-1,39%), NLG (-1,03%).
Sau khi tăng điểm tốt phiên 5/5, cổ phiếu bất động sản công nghiệp quay trở lại mặt đất phiên 6/5. Bên cạnh hai mã lớn BCM và GVR đã nói ở trên, hàng loạt mã lớn khác quay đầu giảm điểm như VGC (-0,5%), SIP (-0,6%), KBC (-0,6%), LHG (-1,6%), IDC (-2,1%).
Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến phân hóa, giảm 0,06%, chủ yếu từ các mã VND, VIX, MBSS, FTS, VDS, DSC, ORS, APG… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm SSI, HCM, SHS, BSI, CTS, TVS, VFS…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên này diễn biến tích cực, có mức tăng 0,15%, chủ yếu từ các mã BID, CTG, TCB, VPB, HDB … Số ít mã giảm gồm VCB, ACB, LPB, STB…
Các mã khác có mức tăng khá, đi kèm thanh khoản cao còn xuất hiện ở những cổ phiếu riêng lẻ thuộc các nhóm vận tải, bất động sản, xuất khẩu, thủy sản, dịch vụ, năng lượng như VTP, PDR, HVN, VHC, ELC, PNJ, GIL, GEE, BCG…
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến khá tích cực khi chỉ còn mã TOS ở chiều giảm giá, trong khi BSR, OIL, PLX, POS, PVB, PVD, PVS đều ở chiều tăng giá.
Nhóm cổ phiếu viễn thông rất tích cực trong phiên hôm nay. Cổ phiếu TTN tăng 8,81%, ABC tăng 7%, VGI tăng 2,79%, MFS tăng 1,69% và FOX tăng 1,22%. Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với giá trị hơn 81 tỷ đồng trên toàn thị trường. Theo đó, khối ngoại mua ròng gần 74 tỷ đồng trên HOSE. VRE được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường, với 99 tỷ đồng. Tiếp đến, NVL cũng được mua ròng với giá trị 55 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng mua ròng khoảng 21 tỷ đồng trên sàn HNX, trong khi bán ròng hơn 13 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Nhận định về thị trường, CTCK Asean cho rằng: Thị trường hôm nay ghi nhận một phiên tăng điểm nhẹ với giá đóng cửa ở mức thấp hơn trung bình trong ngày, cho tín hiệu trung tính. Điều này cho thấy bên bán đang có dấu hiệu mạnh lên, tuy nhiên xu hướng tăng vẫn đang được duy trì.
Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp, góp phần nâng đỡ thị trường. Ở kịch bản TRUNG LẬP, lực cầu được kỳ vọng gia tăng trở lại khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.230-1.240 điểm.
CTCK SHS: Sau giai đoạn suy giảm mạnh, xu hướng ngắn hạn VN-Index đang chuyển sang phục hồi kiểm tra lại các vùng kháng cự quan trọng như trung bình 200 phiên, quanh 1.260 điểm.
Tâm lý và xu hướng của thị trường đang cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, để thị trường chung đồng thuận cải thiện, chỉ số VN30 đại diện nhóm vốn hóa lớn, cần vượt lên kháng cự quanh 1.325 điểm, tương đương trung bình 200 phiên hiện nay.
Chứng khoán châu Á gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 6/5, giữa lúc lo ngại của nhà đầu tư về các biện pháp thuế quan của Mỹ và tác động đến tăng trưởng kinh tế lại trỗi dậy.
Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) tăng nhẹ 0,2%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt đóng cửa nghỉ lễ.
Thị trường Trung Quốc trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài, với chỉ số Shanghai Composite tăng gần 1%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng tăng 0,69%.
Chứng khoán châu Âu dự kiến cũng mở cửa ảm đạm vào đầu phiên 6/5, khi nhà đầu tư chờ đón một loạt dữ liệu sản xuất có thể hé lộ tác động của các biện pháp thuế quan từ Mỹ.
Sự chú ý của giới đầu tư đang dồn vào khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể nối lại đàm phán thương mại, sau khi Trung Quốc tuần trước cho biết đang cân nhắc một đề nghị từ Mỹ về việc tổ chức đàm phán. Tuy nhiên, do thiếu thông tin chi tiết, nhà đầu tư vẫn đang cố gắng giải mã những phát ngôn đến từ Nhà Trắng.
© thitruongbiz.vn