Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống gần 400 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 404 USD/tấn, mức thấp nhất trong 29 tháng (kể từ đầu tháng 9/2022), so với 417 USD/tấn hai tuần trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 404 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, kể từ đầu tháng 9/2022. Mức giá giảm so với mức 417 đô la Mỹ/tấn hai tuần trước và thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ.
So với mức đỉnh 663 đô la Mỹ/tấn vào cuối tháng 11-2023, giá gạo hiện nay đã giảm khoảng 260 đô la Mỹ, gần 40%. Không chỉ gạo 5% tấm, loại gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm xuống còn 371 đô la Mỹ/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu đô la Mỹ, tăng 1% về lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 5.400-5.500 đồng/kg; OM 5451 từ 5.800-6.000 đồng/kg, Đài thơm 8 (tươi) và OM 18 (tươi) dao động từ 6.600-6.800 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000-17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…
Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 7.700-7.800 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500-9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.300-7.400 đồng/kg, gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800-9.000 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.200-7.300 đồng/kg. Giá tấm thơm ở mức 7.100-7.300 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.200-5.300 đồng/kg.
Trên thị trường quốc tế, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 19 tháng do nguồn cung tăng và đồng rupee mất giá.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 418-428 đô la Mỹ/tấn, trong khi gạo trắng 5% tấm giao dịch ở mức 395-405 đô la Mỹ/tấn. Theo các chuyên gia, người mua vẫn do dự vì giá giảm mạnh và chờ giá ổn định.
Đầu tháng 1, tồn kho gạo Ấn Độ đạt kỷ lục 60,9 triệu tấn, gấp 8 lần mục tiêu của chính phủ.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tuần này giảm xuống 415-420 đô la Mỹ/tấn, so với 450-455 đô la Mỹ/tấn tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết nguyên nhân là do giá nội địa giảm và đồng baht tăng giá.
Hiện tại, nhu cầu chững lại khi Indonesia và Philippines trì hoãn mua hàng. Với vụ mùa sắp tới ở Việt Nam và Thái Lan, khách hàng đợi theo dõi xu hướng giá trước khi quyết định.
Giới chức Bangladesh cũng đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm nhằm tăng doanh thu và đáp ứng yêu cầu từ doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại, tăng thu nhập xuất khẩu.
Lý giải về nguyên nhân giá gạo Việt xuất khẩu lao dốc, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết do áp lực nguồn cung tăng khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại. Do đó, trên thị trường thế giới không còn tình trạng các nhà nhập khẩu phải tranh mua như thời điểm nửa cuối năm 2023 và nửa đầu 2024.
Bên cạnh đó, các khách hàng truyền thống của gạo Việt đều có kế hoạch giảm nhập khẩu trong năm nay. Điều này cũng tác động mạnh đến giá gạo của nước ta.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - cho rằng, tình trạng khó khăn chỉ là tạm thời khi các nhà nhập khẩu muốn tiếp tục chờ đợi để có giá tốt hơn. Bởi, gạo Việt đã tạo được sự khác biệt và có phân khúc thị trường riêng.
Nước ta sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ lúa có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết dịp vừa qua lại tương đối thuận lợi nên sản lượng dự báo sẽ dồi dào. Do đó, một số nhà nhập khẩu gạo muốn chờ để được mua gạo với giá rẻ hơn, ông Nam lý giải.
URL: https://thitruongbiz.vn/vi-sao-gia-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-lao-doc-d27048.html
© thitruongbiz.vn