Từ ngày 1/1/2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm từ mức 4,8%/năm xuống còn 4,7% so với hiện nay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013, Thông tư số 32/2014 và Thông tư số 25/2016.
Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 4,7%/năm, áp dụng đối với dư nợ của các khoản vay theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 và thay thế quyết định trước đó. Mức lãi suất này giảm 0,1%/năm so với mức 4,8%/năm trong năm 2024.
Mục đích cho vay là hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Đối tượng cho vay là người mua, thuê, thuê mua nhà và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, Phụ lục kèm theo Quyết định số 2690/QĐ-NHNN đã công bố danh sách 17 ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay tái cấp vốn thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở bao gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, SHB, SeABank, TPBank, Eximbank, PVCombank, OCB, NamABank, LPBank, VietBank, NCB, VIB, VPBank và SCB.
Hiện thị trường bất động sản đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, tình trạng dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao trong khi thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân, giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng.
Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp; mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng chậm được giải ngân, điều kiện, thủ tục phức tạp, lãi suất còn cao, chưa phát huy tác dụng trong việc thu hút, khuyến khích chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội tiếp cận gói tín dụng này là những lực cản không nhỏ đối với công tác phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến tình hình phát triển nhà ở xã hội, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn. Số lượng dự án hoàn thành là 373 dự án với quy mô 193.920 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 129 dự án, quy mô 114.934 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 298 dự án với quy mô 258.188 căn. Việc triển khai, phát triển nhà ở xã hội hiện gặp nhiều vướng mắc, trong đó chủ yếu do vấn đề quỹ đất hạn chế, thủ tục pháp lý phức tạp và nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, theo đánh giá của NHNN, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý về thủ tục về đầu tư, đất đai..., đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội. Do đó, việc giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nhiều địa phương phản ánh, việc vay vốn từ gói tín dụng vẫn thực hiện theo quy định chung của ngân hàng, với các yêu cầu về điều kiện vay vốn tương tự đối với các dự án kinh doanh thương mại khác.
Nhiều chủ đầu tư cho rằng thủ tục UBND cấp tỉnh công bố danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ là không cần thiết, thêm tầng nấc, do đó cần bãi bỏ thủ tục này và thay thế bằng văn bản của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều kiện về hồ sơ pháp lý để các ngân hàng thương mại kiểm tra trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn để các chủ đầu tư sớm tiếp cận nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho thấy tính đến giữa tháng 11/2024 mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, có 16 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng, với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
URL: https://thitruongbiz.vn/tu-ngay-1-1-2025-lai-suat-cho-vay-ho-tro-nha-o-giam-con-47-nam-d26630.html
© thitruongbiz.vn