Tin bất động sản ngày 16/6 đáng chú ý với thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết phương án giải quyết 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai bỏ hoang tại Hà Nam đang được báo cáo các cấp có thẩm quyền. Vì đây không phải là một việc dễ dàng, có những việc chưa có quy định của pháp luật nên cần cấp có thẩm quyền giải quyết và chủ đầu tư tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long phải phá dỡ toàn bộ phần bê tông rộng 2,4 mét lấn chiếm ra bên ngoài...
"Ngay khi nhận nhiệm vụ tại Bộ Y tế, tôi đã mời Thủ tướng Chính phủ đến thăm cơ sở 2 của hai bệnh viện này. Dựa trên cuộc thăm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một tổ công tác, trong đó tôi được bổ nhiệm làm tổ trưởng, nhằm giải quyết các vấn đề gặp phải và hoàn thiện hai cơ sở này để phục vụ cộng đồng", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, tổ công tác đã xem xét toàn bộ các quy định pháp luật và tình hình triển khai cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai, cũng như các hợp đồng thầu. Hiện nay, tiến độ xây dựng đã đạt mức rất cao, khoảng 80-90%. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quá trình thanh, quyết toán các dự án này.
Một tổ công tác bao gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cùng Văn phòng Chính phủ đã báo cáo phương án lên Chính phủ, đề xuất các giải pháp để nhanh chóng đưa hai bệnh viện này vào hoạt động.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cam kết, Bộ Y tế sẽ tích cực đưa ra các đề xuất để triển khai nhiệm vụ này với tinh thần quyết tâm nhất, nhằm hoàn thiện hai bệnh viện và phục vụ nhân dân một cách nhanh chóng.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Kinh tế Xây dựng |
Theo tìm hiểu của PV, vào cuối năm 2014, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khởi công xây dựng cơ sở 2 tại TP Phủ Lý, Hà Nam. Hai bệnh viện này được kỳ vọng trở thành hai bệnh viện hiện đại và lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường, với tổng diện tích sàn 118.941m2. Tổng vốn đầu tư là 4.990 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 4.500 tỷ đồng và nguồn vốn khác chiếm phần còn lại.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có quy mô 1.000 giường, với tổng diện tích sàn 117.714m2. Tổng vốn đầu tư là 4.968 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 4.500 tỷ đồng và nguồn vốn khác chiếm phần còn lại.
Vào ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được sử dụng trong một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 trước khi thông báo tạm dừng hoạt động. Khu này đã được chuyển đổi thành khu cách ly tập trung phòng Covid-19.
Còn cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức chỉ mới đạt giai đoạn cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Ngày 15/6, thông tin từ UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, địa phương đang đôn đốc chủ đầu tư tòa nhà khách sạn, văn phòng và dịch vụ thương mại Hương Lan tại số 39, đường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long tổ chức phá dỡ phần diện tích lấn chiếm không nằm trong thiết kế ban đầu được phê duyệt.
Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Hương Lan, cho biết chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá toàn bộ công trình đã xây dựng và có báo cáo, đề xuất gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về xử lý đối với phần diện tích xây vượt so với giấy phép đã được cấp.
“Hiện tại, chúng tôi đã quây rào phía trước tòa nhà giáp với đường Trần Hưng Đạo và tháo dỡ phần kính từ tầng 5 đến tầng 8 để tiến hành cắt bê tông sàn. Dự kiến công việc hoàn thành sau 2 tháng nữa”, ông Cường nói.
Cụ thể, toàn bộ phần mặt phía Đông tòa nhà, giáp đường Trần Hưng Đạo từ tầng 5 đến tầng 8 sẽ cắt khoảng 2,4 m bê tông. Đây là phần diện tích lấn chiếm ra ngoài không gian phía trước.
Đơn vị thi công sẽ lắp cần trục nâng đỡ toàn bộ phần sàn bê tông của các tầng này sau đó tiến hành cắt sàn thành từng phần nhỏ và đưa xuống dưới chân tòa nhà.
Theo chủ đầu tư, đối với 5 tầng lửng xây thêm nằm bên trong tòa nhà, đơn vị tư vấn đã đo đạc đánh giá và xác định không ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà.
Tòa nhà xây vượt tầng 8 tầng và vươn ra ngoài đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Quốc Nam |
Ngoài ra, nếu tính thêm cả những tầng này thì tòa nhà không vượt quá số tầng theo quy hoạch phát triển đô thị của thành phố nên chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Xây dựng đề nghị giữ lại 5 tầng này và đã được chấp thuận.
Theo Giấy phép xây dựng số 321 ban hành ngày 17/8/2016 do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cấp cho Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Hương Lan, dự án này có tổng chiều cao gần 73 m, gồm 20 tầng và 2 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 11.950,6 m2. Tổng mức đầu tư dự án là gần 49 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2019.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, khi dự án sắp hoàn thành, Sở Xây dựng Quảng Ninh phát hiện chủ đầu tư tòa nhà đã vi phạm xây vượt 5 tầng so với thiết kế ban đầu được phê duyệt, thi công sai nội dung giấy phép xây dựng.
Nhìn bên ngoài, số tầng vượt so với giấy phép đã cấp ban đầu chỉ là 5 tầng, song bên trong, các tầng vượt đều có các sàn bêtông (tầng lửng), mỗi sàn bê tông tương đương một tầng nhà riêng. Như vậy, nếu tính theo mặt sàn thì tòa cao ốc của Công ty Hương Lan có tới 28 tầng, vượt 8 tầng so với giấy phép xây dựng ban đầu.
Ngoài ra, từ tầng 5 đến tầng 8, chủ đầu tư xây vượt ra không gian bên ngoài đường Trần Hưng Đạo, từ tầng 9 đến tầng 28, chủ đầu tư xây vượt ra khoảng không ở hai bên sườn của tòa nhà.
Sau đó, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã đình chỉ thi công và rút giấy phép xây dựng của chủ đầu tư. Công trình này bị treo từ năm 2019 đến nay.
Chiều 15/6, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị lần thứ 13 để nắm tình hình thực hiện, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chuẩn bị cho lễ khởi công dự án này vào ngày 25/6 tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cho biết, đến nay đã hoàn tất các công việc cần thiết, đủ điều kiện để khởi công dự án.
Nhằm đảm bảo lễ khởi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 diễn ra thành công, ông Lê Quốc Phong yêu cầu UBND tỉnh, huyện Cao Lãnh và Công an tỉnh cần quan tâm nắm chắc tình hình Nhân dân liên quan trực tiếp đến dự án; chuẩn bị chu đáo việc đón tiếp khách dự, kịch bản lễ khởi công.
Ông Lê Quốc Phong chỉ đạo UBND huyện Cao Lãnh và các ngành liên quan tiếp tục tập trung việc giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng; nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ khiếu nại của người dân để trong thời gian ngắn nhất trả lời cho bà con. Người đứng đầu địa phương phải trực tiếp đến gặp gỡ, lắng nghe người dân trình bày kiến nghị, khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường đến thăm hỏi, nắm tình hình tái định cư, điều kiện sống của Nhân dân khi di dời về nơi ở mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 thực hiện cơ bản tốt; việc di dời hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông, điện, nước… đúng tiến độ. Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động đối với những hộ chưa đồng thuận việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn đơn thư khiếu nại. Đặc biệt, phải đảm bảo tình hình an ninh trật tự để lễ khởi công dự án diễn ra thành công.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 sẽ khởi công xây dựng vào 25/6/2023. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp UBND các xã của huyện Cao Lãnh tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng theo phương án được duyệt.
Hiện nay, có 511/533 hộ đã nhận tiền, đạt 96% với tổng số tiền hơn 478 tỷ đồng, đạt 93,3%; diện tích đất đã bàn giao 84,34 ha. Còn 22 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì khiếu nại yêu cầu nâng giá bồi thường về đất, công trình nhà ở, cây trồng; thắc mắc về giá bồi thường, đề nghị thu hồi đất ngoài ranh giải phóng mặt bằng...
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông, điện, nước… ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng dự án.
Qua rà soát, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 có 101 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư, tổng cộng 117 nền. Huyện Cao Lãnh có phương án bố trí nền nhà tái định cư thuộc 2 khu tái định cư là Cả Môn (xã Nhị Mỹ) và Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp). Đến nay, đã có 96 hộ tham gia bốc thăm, nhận 110 nền nhà tái định cư.
Dự án công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có chiều dài hơn 27 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng. Dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được chia thành 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng với chiều dài 16 km, điểm đầu tại Km0+000 thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh và điểm cuối tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Đồng Tháp đang nỗ lực thực hiện những công việc cần thiết để đảm bảo lễ khởi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 vào 25/6 tới diễn ra thành công.
Chiều nay (15/6), HĐND TPHCM giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với UBND TP HCM.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, giai đoạn 2021-2025, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mang lại hiệu quả khi nhiều dự án đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả. Thời gian tới, TP HCM sẽ cụ thể hóa trình tự thủ tục triển khai các bước lập danh mục dự án, bố trí vốn, sau đó là tổ chức thực hiện, chủ yếu là chuẩn bị mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật cho dự án và cách thức tổ chức làm giống như dự án Vành đai 3 TP HCM.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ nay đến 2025, TP HCM sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ ngân sách đầu tư các dự án liên quan giáo dục, y tế. Riêng những dự án giao thông sẽ nghiên cứu các hợp đồng BT, BOT khi Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN |
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, qua đi khảo sát thực tế một số dự án cho thấy, các sở ngành, chủ đầu tư rất quyết tâm giải ngân vốn đầu tư, tiêu biểu như dự án Vành đai 3- TP HCM hay dự án xây dựng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên…
Bên cạnh đó, một số dự án có vướng mắc dù nỗ lực nhưng vẫn chậm, dẫn đến hệ quả sau khi bố trí vốn thì không giải ngân được; còn tình trạng đẩy qua đẩy lại, việc giám sát, đánh giá quá trình đầu tư chưa có sự quan tâm xác đáng, tỉ lệ dự án được kiểm tra giám sát thấp.
Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị cần phối hợp tốt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bởi bồi thường chậm, dự án kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiến độ dự án. Tăng cường thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án; tiếp tục rà soát các khoản tạm ứng kéo dài, thu hồi trả ngân sách theo quy định. Bên cạnh đó cần tăng cường kỷ luật kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công, trong đó các địa phương phải chủ động, vào cuộc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, rà soát bố trí vốn giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; sớm xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án đầu tư theo hình thức PPP dang dở để đưa vào sử dụng hiệu quả...
© thitruongbiz.vn