Đi tìm đáp án cho câu hỏi: Thẩm mỹ viện là gì?

Theo số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS), năm 2019 Việt Nam có hơn 20 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 320 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 479 phòng khám da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ cùng hàng ngàn cơ sở chăm sóc da ngoài sự quản lý của ngành y tế.

Số lượng các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân đã gia tăng nhanh chóng theo thời gian đặc biệt tại TP HCM - nơi có nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nhất cả nước.

Về mặt ngữ nghĩa và từ thực tế, thẩm mỹ viện (Beauty Salon) có thể được hiểu là cơ sở chuyên về các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp về ngoại hình, sắc đẹp. Hiện nay, thẩm mỹ viện cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau từ chăm sóc da công nghệ cao, phun xăm cho đến các dịch vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Chia sẻ với Viettimes, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - Giảng viên Khoa Luật (Đại học Kinh tế Luật) nhận định về thực trạng ngành thẩm mỹ hiện nay: "Thẩm mỹ viện là từ vô thưởng vô phạt. Hiện nay chưa có quy định nào nêu rõ thẩm mỹ viện là gì, bệnh viện thẩm mỹ là gì?

Khi không có quy định rõ ràng thì người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Họ có quyền đặt tên cơ sở thẩm mỹ là thẩm mỹ viện. Chính điều này đã khiến cho khách hàng hiểu lầm bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ và thẩm mỹ viện là như nhau, đều thực hiện các hoạt động tiêm chích, giải phẫu thẩm mỹ,...",

Theo Điều 41 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm bệnh viện, phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế.

Cụ thể hóa điều luật này, khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018 sửa đổi bổ sung một số quy định của Nghị định 109/2016, quy định phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế bao gồm phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Thẩm mỹ viện và điều kiện để mở thẩm mỹ viện?
Hiện nay chưa có quy định nào nêu rõ thẩm mỹ viện là gì? Ảnh minh họa.

Luật không quy định rõ phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thể hiện dưới hình thức tên như thế nào? Và thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, spa,.. là phòng khám chuyên khoa hay cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hay cơ sở khám chữa bệnh, được thực hiện những hoạt động nào?

Điều này dẫn đến thực trạng các cơ sở thẩm mỹ lấy tên là "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ", khiến khách hàng ngộ nhận đây là bệnh viện thẩm mỹ, có thể thực hiện tất cả các hoạt động tiêm, chích, xâm lấn cơ thể. Trong khi đó, không phải thẩm mỹ viện nào cũng được thực hiện các hoạt động trên.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 điều 11 Nghị định 155, có 2 nhóm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Thứ nhất là nhóm cơ sở thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Thứ hai là nhóm cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Các hoạt động này chỉ được thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Những điều kiện phải đáp ứng khi mở dịch vụ thẩm mỹ?

Từ hai nhóm trên, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định khác nhau cho việc kinh doanh thẩm mỹ này. Cụ thể:

Thứ nhất, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở như spa, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da, phun thêu thẩm mỹ, xăm hình nghệ thuật, không cần sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không phải xin giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Tuy nhiên, các cơ sở dịch vụ này phải đăng ký hoạt động kinh doanh, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự...

Cụ thể, theo quy định Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh quy định về những cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh thì mở spa hoặc spa nhỏ không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh. Vì vậy khi kinh doanh spa bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Theo Quyết định Số 337/QĐ-BKH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư. Về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam. Có 02 mã ngành nghề đăng ký kinh doanh spa, bao gồm:

Số 96100: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự (trừ hoạt động thể thao). Nhóm này gồm: Dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình…)

Số 963: Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác chưa được phân vào đâu. Nhóm này gồm: Cắt tóc, gội đầu, uốn, sấy, nhuộm tóc, duỗi thẳng, ép tóc. Và các dịch vụ làm tóc khác phục vụ cả nam và nữ. Cắt, tỉa và cạo râu; Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm…

Như vậy, dựa trên cơ sơ pháp lý nêu trên. Spa là hình thức chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da không dùng phương pháp phẫu thuật, không gây chảy máu … (như thẩm mỹ viện hay bệnh viện) có hoặc không có hoạt động massage (xoa bóp). Do đó, về mặt pháp lý Spa có 02 loại là loại có hoạt động xoa bóp (hộ kinh doanh massage). Và loại không có hoạt động xoa bóp. Việc xác định rõ 02 loại này sẽ dẫn đến việc xác định rõ hơn các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động và quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động Spa.

Thứ hai, nhóm cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu.

cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người cần có những yêu cầu chặt chẽ hơn. Ảnh minh họa
Cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người cần có những yêu cầu chặt chẽ hơn. Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa. Để được cấp Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện cần phải đáp ứng các điều kiện:

Điều kiện cơ sở vật chất: Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh; Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh; Có buồng lưu người bệnh; Các điều kiện khác tùy theo phạm vi chuyên môn đăng ký; Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật; Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.

Điều kiện về trang thiết bị y tế: Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký; Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

Điều kiện về nhân sự: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó; Các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Theo quy định người hành nghề đã có chứng chỉ chuyên khoa định hướng Tạo hình thẩm mỹ và đã thực hành đủ 18 tháng về chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Ngoài ra, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ cần đáp ứng một số quy định khác về an ninh, trật tư như: Người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy,…

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có dịch vụ thẩm mỹ. Những vi phạm cơ bản về giấy phép hoạt động kinh doanh, chuyên môn kỹ thuật. Tùy hành vi vi phạm mà mức phạt đối với cơ sở kinh doanh thẩm mỹ có thể lên tới 50.000.000 đồng.

Nhiều bất cập trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam

Tại buổi Giao lưu trực tuyến “Ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam: Những vấn đề bất cập và giải pháp phát triển” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Vận động thành lập Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam tổ chức ngày 8/9/2017, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Nhu cầu thẩm mỹ là nhu cầu thực tế đi theo sự phát triển xã hội và là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trung tâm dạy nghề (liên quan đến Bộ LĐTBXH) chưa được cấp phép lại dậy về cắt mí, cắt môi, nâng mũi…

Bà Trang thẳng thắn: “Trong ngành nghề của chúng tôi, mọi người không biết phải phát triển theo hướng nào, cứ thấy kiếm được tiền là đưa nhau đi học, rồi ra làm nghề. Hội cũng đã có nhiều chương trình hội thảo về vấn đề này, và cũng mong muốn được tổ chức các hội nghị quy tụ các cơ quan ban hành để có được những quy định hướng dẫn cũng như xử phạt. Hội cũng mong muốn các cơ quan ban ngành nghiêm túc trong thanh kiểm tra, xử phạt”.

Một trong những nguyên nhân chính hiện nay dẫn đến thị trường phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra thiếu lành mạnh chính là việc được cấp phép một đằng, quảng cáo và làm một nẻo, trang thiết bị, đội ngũ y bác sỹ thiếu thốn không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là tình trạng làm vượt quá lĩnh vực được cấp phép. Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Việc khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ khác với các chuyên khoa khác bởi đối tượng không phải là bệnh nhân đến khám và điểu trị bệnh mà đối tượng khách hàng là người bình thường không có bệnh.

Trong quá trình quản lý những năm gần đây, việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động càng ngày càng tăng cao. Đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép cho 65 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 7 BV có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện nay có 1 lượng lớn spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành kĩ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Tất cả các spa và thẩm mỹ này đều hoạt động trái pháp luật.

Thẩm mỹ viện và điều kiện để mở thẩm mỹ viện?
Địa điểm nơi cô gái 22 tuổi (Long An) ra Hà Nội nâng mũi nhưng sau đó không may đã qua đời (Ảnh: Tuổi trẻ).

Đặc biệt, có tình trạng hồ sơ cấp phép chỉ được làm 1 số danh mục kĩ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại quá phạm vi cho phép. 1 số cơ sở khi quảng cáo thì nội dung khác với nội dung được duyệt. Cơ sở được cấp phép cũng quy định về số lượng người hành nghề nhưng thực tế số lượng bác sĩ và điều dưỡng viên tăng lên nhiều. Điều này gây không an toàn cho khách hàng. Sở Y tế Hà Nội rất mong muốn thị trường phẫu thuật thẩm mỹ được minh bạch, trong sáng, an toàn, các bác sĩ giỏi được công nhận, người dân biết được các cơ sỏ không đủ điều kiện hoạt đông để không sử dụng dịch vụ. Thời gian tới, Sở Y tế cần chỉ đạo quyết liệt để mục đích cuối là tạo an toàn cho ng sử dụng tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong khuôn khổ tọa đàm, bà Phan Thị Hải - Phó Trưởng Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh (Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế) cũng nêu rõ: Điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động đối với phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/112011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ở góc độ quản lý, tôi cho rằng Thông tư 41 đã phân cấp các bệnh viện, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, yêu cầu các đơn vị phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực. Chúng tôi cũng cho phép các đơn vị này được thực hiện theo Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực tế, khi thẩm định, các cơ sở này đều đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định, thế nhưng trong quá trình hoạt động, thường có nhiều biến động về nhân sự. Với lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng trong khi số các cơ sở y tế quá lớn, mặc dù đã cố gắng, nhưng lực lượng thanh kiểm tra vẫn chưa thực hiện thanh kiểm tra và báo cáo thường xuyên, dẫn đến việc, một số cơ sở đã làm vượt quá chuyên môn cho phép, gây ra tai biến cho người bệnh.

Nếu phát triển đúng hướng, ngành phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có những đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế đất nước. Vấn đề là phải tìm ra những nguyên nhân để thị trường phẫu thuật thẩm mỹ phát triển thiếu lành mạnh, đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp và kịp thời giúp các cơ sở hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ phát triển ổn định.