CTCP Chứng khoán Sen Vàng (mã GLS) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 với sự xuất hiện của những cổ đông chủ chốt. Đáng chú ý, bóng dáng Tập đoàn Xuân Thiện 'nhảy' vào thị trường tài chính, Chủ tịch Xuân Thiện chi 500 trăm tỷ gom cổ phiếu.
Theo đó, chỉ có 4 cổ đông tham dự đại hội nhưng 4 cổ đông này nắm giữ đến 75,05% cổ phần của Chứng khoán Sen Vàng. Danh sách này bao gồm: Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An (20%), bà Thái Kiều Hương (15,13%), ông Lê Huy Dũng (20,03%) và ông Hồ Ngọc Bạch (19,88%).
Đại hội năm nay của Sen Vàng đã thông qua nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có việc xin đổi tên công ty thành Công ty Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC).
Thực tế, Sen Vàng đã về với Tập đoàn Xuân Thiện sau khi một thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn này là Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An mua lại cổ phiếu từ các lãnh đạo cũ hồi tháng 4/2024.
Cùng với việc đổi tên tương đồng, Chứng khoán Sen Vàng cũng sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, đồng thời chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Ban chủ tọa đại hội cho biết, con số 3.000 tỷ đồng là phù hợp với bối cảnh hiện tại, theo sức mạnh tài chính của cổ đông lớn thì thậm chí đây mới chỉ là bước khởi đầu để “gia nhập cuộc chơi” và chưa phải là đích đến cuối cùng.
công ty chứng khoán Sen Vàng, công ty được thành lập từ năm 2007, hiện có vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Một cổ đông lớn hiện hữu là Công ty TNHH Thương mại nông nghiệp Khang An – thành viên trong hệ sinh thái Xuân Thiện – đang sở hữu 20% cổ phần GLS.
Cụ thể, kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu dự kiến chào bán thêm 135 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền 1:10. Dự kiến thực hiện trong năm 2025 - 2026. Hiện công ty chứng khoán này có vốn điều lệ 135 tỷ đồng với 13,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng lên 1.485 tỷ đồng.
1.350 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành này sẽ sử dụng 65% cho hoạt động margin, 30% cho hoạt động tự doanh và 5% bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Với phương án phát hành riêng lẻ, công ty sẽ chào bán để tăng vốn tối đa thêm 1.515 tỷ đồng thông qua chào bán 151,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư. Thời gian thực hiện trong năm 2025 - 2026.
Đặc biệt, trong danh sách 3 nhà đầu tư dự kiến mua 151,5 triệu cổ phiếu của Sen Vàng có sự xuất hiện của ông Nguyễn Xuân Thiện - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thiện. Ông Thiện dự kiến mua vào 50 triệu cổ phiếu tương đương 500 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Tấn Dũng mua vào 51,5 triệu cổ phiếu và CTCP Tài chính Quốc tế Xuân Thiện mua vào 50 triệu cổ phiếu.
Thương vụ diễn ra trong bối cảnh tình hình tài chính của Chứng khoán Sen Vàng không mấy sáng sủa. Tính đến cuối quý I/2025, công ty lỗ lũy kế hơn 68,6 tỷ đồng, tổng tài sản chỉ vỏn vẹn 69 tỷ, nhân sự chỉ 22 người. Chứng khoán Sen Vàng cũng gần như “ngủ đông” suốt 18 năm hoạt động khi chưa từng tăng vốn.
Với sự xuất hiện của loạt pháp nhân trong hệ sinh thái Xuân Thiện, ĐHĐCĐ Chứng khoán Sen Vàng đã thống nhất đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC). Kèm theo đó là kế hoạch tái định vị toàn diện: đổi tên thương hiệu, di dời trụ sở, thay máu nhân sự và định hướng lại chiến lược kinh doanh.
Không khó để nhận ra đây là một cuộc đổi chủ, khi loạt nhân sự cấp cao của Xuân Thiện đã vào bộ máy điều hành của công ty chứng khoán này. Chẳng hạn như ông Nguyễn Đức Duy – thành viên mới của Ban kiểm soát chính là người từng giữ nhiều vị trí thành viên Ban chiến lược Tập đoàn Xuân Thiện.
Không dừng lại ở mức tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng thông qua hai đợt chào bán cổ phiếu, ban lãnh đạo Chứng khoán Xuân Thiện đặt tham vọng vượt xa. Tại đại hội, đại diện công ty khẳng định: “3.000 tỷ chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng vốn lên 20.000 tỷ để gia nhập top 3 thị phần chứng khoán và niêm yết công ty trên sàn”.
Kế hoạch tài chính của Chứng khoán Xuân Thiện cũng đầy tham vọng: trong năm 2025, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 179 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng – tăng trưởng lần lượt 1.205% và 19.839% so với năm 2024. Mảng tự doanh được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận tương đương 20% giá trị đầu tư, trong khi mảng môi giới sẽ “khởi động chậm”, chủ yếu tập trung vào hoạt động giải ngân margin.
Dù vẫn chưa chi trả lương cho HĐQT và Ban kiểm soát do thua lỗ kéo dài, công ty cho biết sẽ mạnh tay tuyển dụng đội ngũ môi giới dày dạn kinh nghiệm, đặc biệt là những người sở hữu tệp khách hàng trung thành. Mục tiêu hướng đến là phân khúc khách hàng VIP, tổ chức, doanh nghiệp và nhóm nhà đầu tư phổ thông.
Ông Nguyễn Văn Thiện sinh năm 1970, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện. Ông là con trai ông Nguyễn Xuân Thành – người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành có trụ sở tại Ninh Bình và là em trai của ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank.
Tập đoàn Xuân Thiện do ông Thiện đứng đầu hiện hoạt động đa ngành, từ năng lượng (thủy điện, điện mặt trời), nông nghiệp công nghệ cao đến sản xuất vật liệu xây dựng như thép và xi măng.
Trước đây, Xuân Thiện được biết đến rộng rãi với loạt dự án nhà máy xi măng và hơn 20 dự án thủy điện trải khắp cả nước. Những năm gần đây, tập đoàn chuyển hướng mạnh sang mảng năng lượng tái tạo, triển khai các dự án điện mặt trời quy mô lớn tại Ninh Thuận và Đắk Lắk.
Không nằm ngoài xu thế điện gió ngoài khơi, Xuân Thiện đã đề xuất thực hiện một dự án tại Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn cũng đã khởi công tổ hợp nhà máy thép tại tỉnh Nam Định (nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Ninh Bình). Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 98.000 tỷ đồng, quy mô 400ha, gồm tổ hợp sản xuất gang thép, cảng biển, khu đô thị ven biển và nhà máy ethanol.
© thitruongbiz.vn