Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 2/4 (giờ địa phương) đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ khi ông công bố loạt chính sách thuế mới.
"Ngày 2/4 sẽ mãi mãi được ghi nhớ là ngày ngành công nghiệp Mỹ được tái sinh. Trong nhiều thập kỷ, đất nước chúng ta đã bị lợi dụng bởi cả các đồng minh lẫn đối thủ," ông Trump tuyên bố.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Mỹ không thể tiếp tục chính sách đầu hàng kinh tế đơn phương. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả được thâm hụt với Canada, Mexico và rất nhiều quốc gia khác. Chúng ta từng làm thế. Chúng ta không thể làm thế nữa. Chúng ta chăm lo cho các quốc gia trên khắp thế giới. Chúng ta trả tiền cho quân đội của họ. Chúng ta trả tiền cho mọi thứ mà lẽ ra họ phải trả. Đến khi chúng ta cắt giảm thì họ tức giận. Nhưng chúng ta phải chăm lo cho người dân của mình trước".
Ông Trump khẳng định: "Đây là tuyên bố độc lập kinh tế của chúng ta", đồng thời cho biết Mỹ sẽ sử dụng nguồn thu từ thuế quan để "giảm thuế và trả nợ quốc gia".
Với lập luận này, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu và thực hiện chính sách thuế đối ứng với tất cả các quốc gia.
"Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ áp thuế 25% đối với toàn bộ ô tô sản xuất ở nước ngoài, bắt đầu từ nửa đêm nay", ông nhấn mạnh
Ngoài ra, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế ít nhất 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời áp mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Washington.
Bên cạnh đó, khoảng 60 quốc gia sẽ bị áp thuế bằng một nửa mức thuế mà họ đang áp dụng đối với Mỹ. Các mức thuế đối ứng này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4.
Ví dụ, ông Trump đưa ra một biểu đồ cho thấy Trung Quốc áp thuế lên Mỹ ở mức 67%, do đó Washington sẽ áp mức thuế 34% đối với Bắc Kinh.
Theo số liệu từ Reuters, mức thuế mới của Mỹ đối với một số quốc gia và khu vực bao gồm: Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Thụy Sĩ (31%), Anh (10%), Malaysia (24%), Ấn Độ (26%), Brazil (10%), Indonesia (32%), Việt Nam (46%), Singapore (10%), Ukraine (10%), Venezuela (15%).
Một quan chức Nhà Trắng đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết thuế quan đối ứng với thuế suất cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 và sẽ áp dụng với khoảng 60 quốc gia. Mức thuế cơ sở 10% sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Bảy (5/4).
Ông Trump nhấn mạnh rằng các quốc gia muốn được miễn trừ khỏi chính sách thuế đối ứng của Mỹ cần phải thay đổi chính sách thương mại của mình. "Hãy chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ các rào cản, ngừng thao túng tiền tệ và bắt đầu mua hàng chục tỷ USD hàng hóa của Mỹ", ông tuyên bố.
Ông Trump cho biết, mức thuế mà ông công bố sẽ tạo ra 6.000 tỷ USD đầu tư, đánh dấu đợt tăng thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích rằng thực tế, thuế sẽ được trả bởi các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Với việc ký kết hai sắc lệnh hành pháp, bao gồm sắc lệnh áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu và thuế đối ứng từ 10% đến 49% đối với mọi hàng hóa nhập khẩu, ông Trump khẳng định rằng ông đang "đưa nước Mỹ trở lại với sự thịnh vượng".
Động thái này là bước leo thang mới của cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay. Theo hãng tin Reuters, việc đánh thuế quan trên diện rộng sẽ dựng lên những hàng rào thương mại mới xung quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất trên thế giới, đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình nên trật tự toàn cầu hiện tại. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ được cho là sẽ có biện pháp đáp trả bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ, dẫn tới giá cả của nhiều hàng hóa từ xe đạp cho tới rượu vang sẽ tăng cao hơn ở các quốc khác.
Theo quan điểm của ông Trump, thuế quan là công cụ hiệu quả để giải quyết một loạt vấn đề lớn của Mỹ, gồm mất cân đối thương mại, chống chất gây nghiện fentanyl, kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp, và khôi phục nền sản xuất Mỹ. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo thuế quan có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, đẩy cao nguy cơ suy thoái và khiến chi phí sinh hoạt của hộ gia đình trung bình ở Mỹ tăng thêm hàng nghìn USD mỗi năm. Doanh nghiệp phàn nàn rằng bấp bênh về thuế quan khiến họ khó lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh hơn.
Thuế quan của ông Trump cũng đã khiến hoạt động sản xuất trên toàn cầu giảm tốc, đồng thời khiến người tiêu dùng Mỹ chạy đua mua ô tô và nhiều sản phẩm nhập khẩu khác vì lo ngại những hàng hóa này sẽ tăng giá chóng mặt sau khi thuế quan được áp.
Ông Trump cũng đang có kế hoạch đánh thuế quan đối với một số ngành hàng cụ thể gồm con chip, dược phẩm và thậm chí các khoáng sản quan trọng - vị quan chức cho biết. Thuế quan 25% mà ông Trump áp lên ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu vào tuần trước sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Năm tuần này.
© thitruongbiz.vn