Nhiều người tiêu dùng tại Mỹ đang bắt đầu đổ xô tích trữ hàng hóa trong bối cảnh lo ngại giá cả sẽ tăng mạnh sau khi vòng thuế nhập khẩu mới được chính quyền ban hành chuẩn bị có hiệu lực.
Tại các siêu thị lớn như Walmart hay Costco, không khó để bắt gặp cảnh người dân chất đầy xe đẩy với các mặt hàng thiết yếu như nước trái cây, đồ hộp, gia vị, bột mì và nước uống. Tâm lý phòng thủ trước nguy cơ suy thoái kinh tế và lạm phát leo thang là nguyên nhân chính khiến nhiều người chọn mua gấp đôi hoặc mua với số lượng lớn để dự trữ.
Trong bối cảnh bất ổn do chính sách thuế mới, việc tích trữ được xem là một cách chuẩn bị chủ động cho những biến động sắp tới trên thị trường tiêu dùng.
Tổ chức Tax Foundation cho biết các loại thuế mới sẽ khiến người dân Mỹ phải gánh tổng cộng 3.100 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, tương đương mức tăng khoảng 2.100 USD tiền thuế cho mỗi hộ gia đình chỉ trong năm 2025.
Dù nhiều người vẫn giữ thái độ chờ đợi, một số lo ngại rằng sự hoảng loạn sẽ kích hoạt làn sóng tích trữ hàng hóa, khi kỳ vọng lạm phát còn tồi tệ hơn trong tương lai, một số người dân chia sẻ với Reuters như vậy.
Manish Kapoor, nhà sáng lập công ty quản lý chuỗi cung ứng GCG gần Los Angeles (Hoa Kỳ), cho biết các biện pháp thuế quan đã gợi lại nỗi lo về những kệ hàng trống trơn từng thấy trong đại dịch, khi đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu hàng và lạm phát.
Kapoor nói: “Chúng tôi đã thấy điều đó trong đại dịch COVID rồi – ai cũng hoảng loạn lao vào mua sạch mọi thứ trên kệ, dù có thực sự cần hay không. Hiện chưa đến mức đó, nhưng người ta lo rằng giá hàng hóa sẽ tăng nên nghĩ tốt hơn là mua sớm.”
Các mặt hàng thiết yếu được ưu tiên mua bao gồm thực phẩm như gạo, nước uống, dầu ăn, ...; đồ dùng cá nhân như kem đánh răng, xà phòng, sữa tắm,....
Một số người dân Mỹ bày tỏ sự cảm thông với Trung Quốc sau khi ông Trump hôm thứ Hai dọa sẽ áp thêm thuế 50% nếu Bắc Kinh không rút lại các biện pháp trả đũa thuế quan đối với Hoa Kỳ.
Nhiều người tiêu dùng Mỹ cho rằng Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp nhiều mặt hàng giá rẻ cho thị trường Hoa Kỳ.
Tâm lý lo ngại về tác động của thuế quan ngày càng lan rộng, đặc biệt trong nhóm người cao tuổi sống bằng thu nhập cố định.
Việc giá cả có nguy cơ tăng vọt khiến họ phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu với giá phải chăng, thường là các thương hiệu nội địa có giá rẻ hơn so với các thương hiệu quốc tế.
Nhiều người chuyển sang lựa chọn gói sản phẩm nhỏ hơn, giá thấp hơn so với mức tiêu dùng trước kia để cân đối ngân sách sinh hoạt hàng ngày.
Câu hỏi khác được đặt ra là thế hệ trẻ sẽ đối mặt với thực tế này như thế nào, khi mà cuộc sống ngày càng đắt đỏ và bất ổn.
Trên thị trường ô tô, hoạt động mua sắm cũng có biến động. Một số đại lý ghi nhận doanh số tăng mạnh trong bối cảnh thuế nhập khẩu 25% với xe nguyên chiếc chính thức có hiệu lực từ ngày 3/4.
Tại đại lý Valley Subaru ở Longmont, bang Colorado, doanh số xe hơi đã tăng mạnh trong vài tuần qua. Ông Nic Chuenchit, Giám đốc kinh doanh của đại lý, nói rằng ông không chắc liệu mức tăng đó có đến từ lo ngại của người tiêu dùng về thuế nhập khẩu mới hay không.
Ông Chuenchit chia sẻ với Reuters: “Khách hàng đang bàn tán về thuế, họ hỏi chúng tôi rất nhiều. Tôi tin rằng một số khách hàng vốn định mua xe sau này đã quyết định mua sớm hơn vì sợ giá sẽ tăng do thuế.”
Người tiêu dùng được cho là đang đẩy nhanh quyết định mua xe vì lo ngại giá sẽ tăng thêm do tác động từ chính sách thuế. Các đại lý nhận được nhiều câu hỏi về thuế quan, cho thấy mối quan tâm lớn của thị trường đối với chính sách thương mại mới.
Tuy vậy, giới kinh doanh vẫn tỏ ra lạc quan. Ngành ô tô được đánh giá là có sức chịu đựng tốt qua nhiều giai đoạn khó khăn như khủng hoảng tài chính năm 2008 hay đại dịch COVID-19. Người tiêu dùng có thể phải trả giá cao hơn, nhưng nhu cầu mua sắm xe vẫn sẽ tiếp diễn – chỉ là với chi phí lớn hơn mà thôi.
“Ngành này có khả năng chống chịu tốt. Xe hơi vẫn luôn bán được. Người ta vẫn sẽ mua xe, dù có thuế. Chỉ là họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn mà thôi.”, ông Chuenchit nói.
© thitruongbiz.vn