Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 (ngày 31/12), ghi nhận giá vàng nhẫn và vàng miếng đều giảm từ 100 nghìn đồng - 300 nghìn đồng/lượng. Song so với thời điểm cuối năm ngoái, giá vàng nhẫn và vàng SJC ghi nhận mức tăng lần lượt là 34% và 14%.
Theo đó, vào đầu năm 2024 giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 71 - 74 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi đó, giá vàng nhẫn giao dịch tương ứng ở mức 61,4 - 63,28 triệu đồng/lượng.
Đến cuối phiên giao dịch ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm 2024 giá vàng miếng được niêm yết ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), vàng nhẫn niêm yết ở mức 83,3 - 84,2 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), DOJI và Bảo Tín Minh Châu cùng niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng mỗi lượng cả hai chiều so chốt phiên hôm trước. Chênh lệch giữa bên mua và bên bán ở mức 2 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 83,6 - 84,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng giá mua vào, giữ giá bán ra so với phiên 31/12. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 82,2 - 84 triệu đồng/lượng, cùng giảm 300.000 đồng/lượng giá mua vào và bán ra. Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở ngưỡng 82,9 - 84,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với đầu năm 2024, giá bán vàng miếng đã tăng khoảng 10,2 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 13,7% và vàng nhẫn tăng 20,92 triệu đồng/lượng, khoảng 33%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, trong năm 2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn liên tục thiết lập những đỉnh mới. Bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá vàng trong nước liên tục tăng nhanh và mạnh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Đến tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng và vàng nhẫn trơn gần 90 triệu đồng/lượng.
Sự tăng quá "nóng" của giá vàng trong nước đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp can thiệp. Theo đó, NHNN đã dừng việc đấu thầu vàng miếng, chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường vàng "nguội" dần, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC, đã giảm sâu trong tháng 5 và tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, do chịu tác động bởi đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, đến cuối quý III và nửa đầu quý IV, giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại. Mặc dù vậy, trong lần biến động này, giá vàng miếng lại không có sự đột biến, trong khi vàng nhẫn lại bất ngờ "gây sốc" khi lên ngưỡng 88,65- 89,65 triệu đồng/lượng vào ngày 31/10. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của vàng nhẫn.
Cùng ngày 31/12, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.603,69 USD/ounce vào lúc 13 giờ 08 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,1% xuống 2.615,50 USD/ounce.
Giá vàng đã lên mức cao kỷ lục trong sáu tháng qua và tăng khoảng 26% từ đầu năm đến nay. Giá vàng tăng nhờ nhu cầu mua vàng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị và chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng lớn trên thế giới.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer tại KCM Trade cho biết, giá vàng tăng mạnh trong năm 2024 chủ yếu do kỳ vọng lãi suất giảm. Đối với năm 2025, triển vọng lãi suất của Mỹ sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy giá vàng. Các chính sách thương mại của ông Trump và quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh lạm phát.
Thị trường đang chờ đợi một loạt các thông tin mới bao gồm chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và dữ liệu kinh tế Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới có thể ảnh hưởng đến triển vọng lãi suất của Fed trong năm 2025.
Fed đã cắt giảm lãi suất mạnh mẽ vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12/2024, nhưng trong cuộc họp gần đây nhất cơ quan này đã ra tín hiệu số lần cắt giảm lãi suất sẽ ít hơn trong năm 2025. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đưa ra tín hiệu thận trọng về kế hoạch năm 2025 của họ.
"Vàng có khả năng vẫn tiếp tục được hỗ trợ vào năm 2025 do rủi ro địa chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại và nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương bù đắp cho những cản trở từ đồng USD mạnh và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm của Fed”, Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô Aneeka Gupta tại WisdomTree cho biết.
Vàng được coi là công cụ phòng chống lạm phát và bất ổn nhưng lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời này.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, giá vàng trong nước và thế giới năm 2025 có thể có nhiều biến động. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư vào vàng lúc này rất rủi ro. "Có thể mua lúc này chưa phải giá thấp nhất và cũng chưa chắc giá tăng cao trong tương lai. Cần theo dõi giá vàng thường xuyên, tại thời điểm này khi giá vàng đang ở mức thấp có thể mua vào, nhưng mua một cách thận trọng. Quan trọng nhất là không nên "bỏ trứng vào một rổ" mà bên cạnh vàng cần chia tiền ra các kênh đầu tư khác, như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản", ông Hiếu lưu ý.
Chia sẻ trên Kitco News, một số chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục duy trì trạng thái "lặng sóng", hoặc dao động trong biên độ hẹp.
© thitruongbiz.vn