Tính đến ngày 30/06/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt 1.038 triệu tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm, đánh dấu lần đầu tiên tổng tài sản của Ngân hàng vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: mã chứng khoán TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025, với những con số ấn tượng đưa tổng tài sản của nhà băng tư nhân này vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của Techcombank cho thấy ngân hàng đã đạt được cột mốc quan trọng về quy mô trong quý II/2025.
Cụ thể, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 15,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 2/2025, ngân hàng có lãi trước thuế 7.900 tỷ đồng, cao hơn 9,2% so với quý 1 và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của Techcombank.
Thu nhập lãi thuần (NII) Techcombank đạt 17,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm nhẹ 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi thuần (NIM) theo quý đã cải thiện lên 3,8% từ mức 3,7% trong quý I /2025, nhờ lợi suất tài sản tăng nhẹ.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 5,5 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 5,4% so với cùng kỳ, trong đó riêng quý 2 đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức cao kỷ lục cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 2.333,2 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán đạt 1.302,4 tỷ đồng, giảm 40,6% chủ yếu do nhu cầu về các giải pháp tài trợ thương mại vẫn tiếp tục trầm lắng cũng như ảnh hưởng từ thay đổi phương pháp hạch toán thu từ sản phẩm L/C. Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 769,4 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ, phù hợp với xu hướng của ngành dịch chuyển từ hình thức thanh toán bằng thẻ sang các hình thức thanh toán khác như mã QR.
Thu nhập phí từ dịch vụ ngoại hối là điểm sáng trong các quý vừa qua, trong đó mức tăng trưởng chủ yếu đến từ các sản phẩm ngoại hối mới dành cho khách hàng cá nhân (ví dụ: du lịch, du học, di trú v.v.). Cụ thể, thu từ dịch vụ ngoại hối đạt 584,0 tỷ đồng, tăng 57,7% so với cùng kỳ.
Thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 452,2 tỷ đồng, tăng 17,6%. Techcombank tiếp tục giữ vững vị thế, với phí bảo hiểm quy năm (APE) tiếp tục đứng thứ 3 toàn ngành.
Ngân hàng ghi nhận 840 tỷ đồng thu nhập thuần từ hoạt động khác (không bao gồm thu hồi nợ), giảm 40,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do trong 6 tháng đầu năm ngoái có ghi nhận khoản lãi đột biến từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và ngoại hối.
Thu từ nợ đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro (DPRR) trong 6 tháng đầu năm nay khá tích cực, đạt 539,6 tỷ đồng, tăng mạnh 23,2% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động (OPEX) của Techcombank ở mức 7,1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đi ngang so với cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ chi phí/ thu nhập (CIR) 29,2%, phản ánh khả năng kiểm soát chi phí tốt theo định hướng của ngân hàng.
Chi phí dự phòng ghi nhận giảm tích cực 26,3% so với cùng kỳ, ở mức 2.104 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nhờ chất lượng tài sản của các khoản vay mua nhà và thẻ tín dụng và do không phát sinh một số khoản trích lập dự phòng của 6 tháng đầu năm ngoái. Do đó, chi phí tín dụng (trượt 12 tháng) của Ngân hàng cuối quý 2/2025 tiếp tục cải thiện, còn 0,6%, và 0,4% sau thu từ nợ đã xử lý bằng nguồn DPRR.
Tính đến ngày 30/06/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt 1.038 triệu tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm, đánh dấu lần đầu tiên tổng tài sản của Ngân hàng vượt mốc 1 triệu tỷ đồng - minh chứng cho sự phát triển bền vững và niềm tin ngày càng lớn của khách hàng dành cho Techcombank.
Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 10.6% lên mức 708.9 nghìn tỷ đồng - đảm bảo tăng trưởng phù hợp để duy trì tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức thấp hơn đáng kể so với giới hạn quy định bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nhu cầu tín dụng tăng trưởng đồng đều và mạnh mẽ ở cả hai phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tín dụng cá nhân tăng trưởng đột phá 26.6% so với cùng kỳ, đạt 316 nghìn tỷ đồng. Động lực chính đến từ các sản phẩm cho vay mua nhà, cho vay hộ kinh doanh, và cho vay ký quỹ. Đặc biệt, tăng trưởng cho vay ký quỹ hoàn toàn phù hợp với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, khi chỉ số VN-Index ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng 15.4% so với cùng kỳ, đạt 442.9 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp đầu ngành, với mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận ở ngành Tiện ích và Viễn thông (tăng 52.6% so với cùng kỳ), theo sau là ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bán lẻ và logistics tăng 14.7%.
Tổng tiền gửi của khách hàng đạt 589.1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Điểm nhấn đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ghi nhận mức tăng trưởng 7.9% so với quý I/2025. Thành công này đến từ các giải pháp tài chính toàn diện và hấp dẫn như "Sinh lời tự động 2.0" và hộ kinh doanh tăng 29.9% so với cùng kỳ năm trước đạt 158.9 nghìn tỷ đồng. CASA khách hàng doanh nghiệp tăng 16.1% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng CASA ấn tượng này không chỉ giúp Ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn mà còn khẳng định sự gắn kết sâu sắc của khách hàng với hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của Techcombank.
Techcombank tiếp tục duy trì vị thế là một trong những ngân hàng có nền tảng vốn và quản trị rủi ro tốt nhất hệ thống khi tính đến cuối quý II/2025, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) chỉ ở mức 82.4% và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26.4%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn quy định của NHNN.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15.0%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu, tạo ra một bộ đệm vốn vững chắc cho tăng trưởng trong tương lai. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất nhích nhẹ lên mức 1.32% trong bối cảnh chung, chất lượng danh mục tín dụng của Ngân hàng vẫn ở mức lành mạnh. Đáng chú ý, tỷ lệ NPL nếu loại trừ dư nợ tại CIC chỉ ở mức 1.05%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLCR) tiếp tục được duy trì ở mức an toàn đạt 106.4%, cho thấy sự chủ động và thận trọng của Ngân hàng trong công tác quản trị rủi ro.
Ngoài, Techcombank, một ngân hàng tư nhân khác là VPBank cũng có thể đã ghi nhận tổng tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ. Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý 2, lãnh đạo VPBank từng dự báo điều này tại đại hội cổ đông thường niên tháng 4. Trước đó, cuối quý I/2025, tổng tài sản VPBank đã ở mức 994 nghìn tỷ đồng, chỉ còn cách mốc 1 triệu tỷ rất ngắn.
Ở vị trí thứ 3 là ngân hàng ACB với quy mô tài sản 891 nghìn tỷ đồng (quý 1/2025). Nhóm ba ngân hàng VPBank, Techcombank và ACB đang dẫn đầu khối tư nhân về tổng tài sản, bỏ xa phần còn lại trong ngành.
Hiện các ngân hàng quốc doanh vẫn có quy mô tổng tài sản áp đảo so với các ngân hàng tư nhân. Bốn ngân hàng quốc doanh BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank đều có tổng tài sản trên 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, BIDV dẫn đầu và đang tiến dần lên mốc 3 triệu tỷ đồng - một cột mốc chưa từng có trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tổng tài sản BIDV cuối quý 1/2025 đã lên tới 2,85 triệu tỷ đồng.
URL: https://thitruongbiz.vn/mot-nha-bang-vua-cong-bo-tong-tai-san-vuot-1-trieu-ty-dong-d29675.html
© thitruongbiz.vn