Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra đối với Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI), trong đó, phát hiện loạt sai phạm như: có hồ sơ hơn 600 ngày mới được thanh toán bảo hiểm, quyền lợi hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ bồi thường 30 triệu đồng...
Cụ thể, năm 2023, Tổng công ty phát sinh doanh thu từ phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là hơn 625 tỷ đồng; trong đó của chủ xe máy là 110,5 tỷ đồng và chủ xe ô tô là 514,7 tỷ đồng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Bảo hiểm Hàng không đã chưa thực hiện đúng quy định pháp luật bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới về mẫu biểu báo cáo, về việc tiếp nhận thông tin tai nạn qua đường dây nóng, về thời hạn Giấy chứng nhận bảo hiểm (GCNBH), thông tin trên GCNBH, việc tra cứu GCNBH, về việc giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường.
Chẳng hạn như có 20 xe cơ giới được VNI cấp nhiều GCNBH với các thời hạn khác nhau, dẫn tới tổng thời hạn bảo hiểm của mỗi xe vượt quá thời hạn tối đa là 3 năm theo quy định.
Có 16 GCNBH không đủ thông tin về biển số xe, số khung, số máy, thông tin về chủ xe, loại xe, trọng tải…
Mặc dù đã tích hợp tính năng tra cứu GCNBH trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tuy nhiên qua kiểm tra chọn mẫu thấy không tra cứu được thông tin về người được bảo hiểm, thời hạn và thông tin về xe tham gia bảo hiểm đối với một số GCNBH cấp bằng bản giấy…
Đáng chú ý, riêng trong nghiệp vụ bảo hiểm xe máy – một lĩnh vực phổ biến và bắt buộc đối với người dân – VNI thu về hơn 110 tỷ đồng trong năm 2023 nhưng chỉ chi bồi thường vỏn vẹn 4,4 tỷ, tương đương tỷ lệ bồi thường dưới 4%.
Theo kết luận thanh tra, báo cáo tình hình triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của VNI trong năm 2023 không đúng mẫu quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP, đồng thời không có số liệu về xe mô tô dưới 50cc và xe máy điện – hai phân khúc phương tiện rất phổ biến.
Thanh tra cũng chỉ rõ rằng đường dây nóng tiếp nhận thông tin tai nạn của VNI hoạt động không hiệu quả. Trong suốt giai đoạn từ tháng 9 đến cuối năm 2023, công ty không ghi âm các cuộc gọi như quy định, không thống kê dữ liệu tiếp nhận nên không thể theo dõi kết quả xử lý sự kiện bảo hiểm.
Việc tiếp nhận phản ánh, khiếu nại từ khách hàng về các hợp đồng bảo hiểm TNDS cũng thiếu minh bạch. VNI ghi nhận có 27 phản ánh trong năm 2023 nhưng không cung cấp được đầy đủ hồ sơ giải quyết, trong đó chỉ có một trường hợp được trả lời bằng văn bản giải thích rõ lý do từ chối bồi thường.
Về công tác bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, năm 2023, Bảo hiểm VNI đã giải quyết 2.017 hồ sơ bồi thường, tương ứng số tiền bồi thường là 108,5 tỉ đồng.
Trong đó, 66 hồ sơ xe máy (bồi thường 4,4 tỷ đồng) và 1.951 ô tô (tiền bồi thường 104,1 tỷ đồng). Tổng hồ sơ bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới đã giải quyết trong năm là 125.331 hồ sơ, tiền bồi thường bảo hiểm là 815,5 tỷ đồng.
Qua thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phát hiện VNI chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về thời hạn thanh toán bồi thường, việc tạm ứng bồi thường, việc thu thập tài liệu liên quan của cơ quan công an.
Có 10 trường hợp doanh nghiệp này yêu cầu bên mua bảo hiểm phải cung cấp tài liệu của cơ quan Công an đối với trường hợp tổn thất về thương tật của bên thứ ba khi nộp hồ sơ bồi thường bảo hiểm, không đúng quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
Về căn cứ chi trả bồi thường, có 1 vụ việc gây tử vong về người công ty bồi thường cho khách hàng 30 triệu đồng, trong khi quy định tiền bồi thường tính mạng theo quy định là 150 triệu đồng, hoặc theo thỏa thuận giữa chủ xe và người bị thiệt hại là 110 triệu đồng. Như vậy, căn cứ chi trả bồi thường trong vụ việc này không đúng quy định.
Có 10 trường hợp VNI không thông báo cho người bị tai nạn biết số tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra công tác bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới của doanh nghiệp này chưa đúng quy định tại Quy tắc, điều khoản vật chất xe cơ giới của VNI đã được Bộ Tài chính chấp thuận về thời hạn giải quyết bồi thường bảo hiểm, về căn cứ chi trả bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới.
Trong 2.017 hồ sơ, 1.760 hồ sơ có thời hạn thanh toán bồi thường trong vòng 15 ngày (chiếm tỉ lệ 87,3%); 257 hồ sơ có thời hạn thanh toán bồi thường trên 15 ngày (chiếm tỉ lệ 12,7%), trong đó có 94 hồ sơ có thời hạn giải quyết bồi thường trên 30 ngày (chiếm tỉ lệ 4,7%).
Thanh tra chọn mẫu 5 hồ sơ theo báo cáo của VNI thấy rằng, thời hạn thanh toán bồi thường của các hồ sơ này trên 15 ngày kể từ khi VNI nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ từ khách hàng, chưa đúng quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
"Thời hạn thanh toán bồi thường thực tế cho thấy nhanh nhất là 19 ngày và các hồ sơ còn lại lần lượt là 302 ngày, 369 ngày, 544 ngày và 607 ngày"- kết luận thanh tra nêu rõ.
Từ kết quả thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị VNI rà soát, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về thời hạn thanh toán bồi thường, thực hiện tạm ứng bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, thông báo cho người bị tai nạn biết số tiền bồi thường bảo hiểm; thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng theo quy định...
Về công tác trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, VNI cần rà soát, đánh giá việc trích lập dự phòng nghiệp vụ, kịp thời có các biện pháp nhằm bảo đảm trích lập đầy đủ dự phòng để chi trả cho các trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 97 Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều chỉnh hạch toán kế toán đối với các khoản trích lập dự phòng chưa đầy đủ được nêu.
Về nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải rà soát, tuân thủ các quy định pháp luật về thuế và các quy định có liên quan.
"Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị nêu trên, khắc phục toàn bộ tồn tại được chỉ ra trong kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) trước ngày 31/5/2025" - kết luận thanh tra nêu rõ.
Về xử lý tài chính, cơ quan thanh tra đề nghị Bảo hiểm VNI giảm chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ khoảng 1,65 tỷ đồng (với các hồ sơ đã giải quyết bồi thường tuy nhiên vẫn trích lập dự phòng bồi thường; trích lập dự phòng bồi thường không tương ứng với số liệu về tổn thất).
Đồng thời, tăng chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ khoảng 4,27 tỷ đồng (với hợp đồng bảo hiểm chưa trích lập dự phòng phí chưa được hưởng; hồ sơ đã phát sinh thông báo hoặc đã yêu cầu đòi bồi thường trong năm 2023 nhưng chưa trích lập dự phòng bồi thường). Riêng với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, kiến nghị tăng chi phí trích lập lên gần 120 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, năm 2023, Tổng công ty CP Bảo hiểm hàng không ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 2.175 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 1.998 tỷ đồng, giảm hơn 14%.
Tổng chi phí hoạt động ghi nhận 1.857 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường bảo hiểm gốc là 1.079 tỷ đồng; chi hoa hồng đại lý bảo hiểm 112 tỷ đồng, chi thưởng, hỗ trợ đại lý 47 tỷ đồng…
Sau khi trừ chi phí, Bảo hiểm hàng không ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 24,6 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu kết quả hoạt động nghiệp vụ năm 2023 như sau: Bảo hiểm sức khỏe ghi nhận phí bảo hiểm gốc 417,5 tỷ đồng, bồi thường bảo hiểm gốc gần 64 tỷ đồng. Bảo hiểm phi nhân thọ phí bảo hiểm gốc 2.129,7 tỷ đồng, bồi thường 1.015 tỷ đồng.
© thitruongbiz.vn