Theo CNBC, một nhóm công ty mới tại châu Á, bao gồm các công ty Việt Nam, đang dự tính phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ, nơi hoạt động niêm yết quốc tế từng chủ yếu thuộc về khu vực các công ty khởi nghiệp Trung Quốc.
Các công ty Việt Nam đang hướng tới IPO tại Mỹ là một xu hướng đáng chú ý hiện tại.
“Những công ty như VinFast thực sự đưa cái tên Việt Nam lên bản đồ”, Johan Annel, đối tác của ARC Group có trụ sở tại Bắc Kinh, chia sẻ với CNBC.
Xe VinFast EV trưng bày tại New York Auto Show năm 2022. (Nguồn: CNBC) |
Hãng ô tô điện VinFast của Việt Nam đã có bước đột phá mới khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 8, nhờ "cái bắt tay" thiện chí với SPAC - Black Spade Acquisition Co.
Ngay sau đó, "kỳ lân” công nghệ Việt Nam VNG cũng đã nộp hồ sơ niêm yết trên Nasdaq. Các sản phẩm của VNG bao gồm trò chơi, công nghệ tài chính và phát nhạc trực tuyến.
VNG lưu ý trong bản cáo bạch rằng luật pháp Việt Nam không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 49% cổ phần của một doanh nghiệp trong nước tuỳ lĩnh vực kinh doanh. Do đó, VNG đã thực hiện một kế hoạch tái cấu trúc, sử dụng công ty mẹ tại quần đảo Cayman để niêm yết tại Mỹ.
Hiện chưa có thông tin cụ thể khi nào VNG sẽ IPO. Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty tư vấn niêm yết IPO tại Mỹ đang tìm kiếm khách hàng là các doanh nghiệp tại Việt Nam và các khu vực lân cận.
Drew Bernstein, đồng chủ tịch công ty kế toán MarcumAsia, cho biết rằng đây mới chỉ là “giai đoạn đầu” khi các công ty nội địa đang phát triển vượt xa khả năng cung cấp vốn mà họ cần tại các thị trường trong nước.
Ông cũng khẳng định càng nhận thấy rõ rệt xu hướng này trong các hội nghị đầu tư ở Malaysia và Việt Nam vào cuối tháng 10 khi những người tham dự cũng chính là các “gương mặt quen thuộc” mà ông đã thấy tại các hội nghị IPO giữa Trung Quốc – Mỹ khoảng 10 – 15 năm trước đây.
Gary Dvorchak, Giám đốc điều hành Blueshirt Group - công ty tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, cho biết đã tổ chức một buổi hội thảo vào tháng 4 với sự tham dự của 20 – 30 công ty Việt Nam về lộ trình IPO tại Mỹ. Trong đó, có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, như thanh toán, trò chơi trực tuyến và thương mại điện tử.
Cũng theo CNBC, làn sóng này đang ngày càng hiện diện rõ ở Việt Nam, trong khi ít thấy hơn tại các quốc giá trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia hay Thái Lan.
Theo thông tin từ CNBC cho biết, đã liên hệ với khoảng 20 công ty khởi nghiệp có trụ sở chính hoặc văn phòng lớn tại Việt Nam để hỏi về kế hoạch IPO tại Mỹ của họ. Hầu hết những câu trả lời đều là việc niêm yết vẫn còn rất xa vời, nhưng họ ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp nội địa trong 15 năm qua.
Nguyễn An Nguyên, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp fintech Trusting Social cho biết: “Vốn dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước”.
Ông cho biết thêm hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển đã thu hút nhiều người gốc Việt trở về quê hương, trong khi tăng trưởng kinh tế trong nước đã tăng quy mô thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 3,6 lần tính theo đầu người từ năm 2002 đến năm 2022, lên gần 3.700 USD.
Văn Đinh Hồng Vũ (đến từ Việt Nam), đồng sáng lập và CEO của ELSA, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp mọi người học tiếng Anh, có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết: Nhờ sự thành công của Grab, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam bắt đầu nhìn xa hơn thị trường nội địa để hướng tới kinh doanh trong khu vực.
“Khi thành lập công ty, khát vọng của chúng tôi luôn là một doanh nghiệp có dấu ấn toàn cầu. IPO tại Mỹ sẽ giúp chúng tôi tạo dấu ấn đó”, cô cho biết.
Theo dữ liệu của Renaissance Capital tính đến ngày 29/11, trong số 103 đợt IPO của Hoa Kỳ trong năm nay, có 10 đợt đến từ các công ty có trụ sở tại Đông Nam Á, chủ yếu là từ Singapore và Malaysia.
George Chan, trưởng bộ phận tư vấn IPO toàn cầu tại EY, kỳ vọng rất nhiều công ty từ Đông Nam Á sẽ IPO trong 12 đến 18 tháng tới và cũng có thể xem xét sàn giao dịch Hồng Kông.
Mặt khác, xu hướng mới này không có đồng nghĩa với việc các đợt IPO của Trung Quốc tại Mỹ sẽ bị thay thế, mà tạo ra những cơ hội mới.
Bob McCooey, Phó chủ tịch Nasdaq, đánh giá với CNBC rằng “chắc chắn có một mạng lưới rất lớn các công ty từ Đông Nam Á đang hướng tới thị trường Mỹ”, nhưng cũng lưu ý điều kiện thị trường hiện tại khiến nhiều công ty trì hoãn kế hoạch niêm yết sang nửa đầu năm tới.
© thitruongbiz.vn