Việc thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn bền vững, nâng cao uy tín, và đóng góp cho phát triển kinh tế xanh, công bằng và hội nhập trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
Với áp lực từ thị trường quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu và nhà đầu tư, ESG không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
Trong vòng 5 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành khoảng 8.000 đạo luật, trong đó có nhiều văn bản pháp lý quan trọng về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Với hệ thống luật pháp chặt chẽ, minh bạch và mang tính bắt buộc, EU đang dẫn đầu toàn cầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, cung cấp nhiều kinh nghiệm chính sách quý báu cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
EU đã xây dựng một loạt các đạo luật chủ chốt về ESG, có thể kể đến: Luật Kế toán Bền vững của Doanh nghiệp yêu cầu các công ty phải công bố chi tiết thông tin ESG; Luật Phân loại bền vững (EU Taxonomy) xác định các hoạt động kinh tế có tính bền vững, thúc đẩy đầu tư xanh.
Ngoài ra, Chỉ thị về Báo cáo Phi tài chính (NFRD) và sau đó là Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) buộc các công ty lớn phải minh bạch hóa các thông tin ESG. Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) yêu cầu doanh nghiệp kiểm soát chuỗi cung ứng, đảm bảo không vi phạm nhân quyền, không sử dụng lao động trẻ em hay cưỡng bức.
Bên cạnh đó, quy định SFDR (Sustainable Finance Disclosure Regulation) bắt buộc các tổ chức tài chính công bố rủi ro liên quan đến phát triển bền vững một cách chi tiết và minh bạch.
Khung phát triển ESG của EU được thiết kế bài bản theo 4 bước: (1) Thiết lập mục tiêu phát triển bền vững, (2) Xây dựng bộ máy quản trị ESG, (3) Tích hợp ESG vào hoạt động và quản lý rủi ro, và (4) Công bố thông tin ESG.
Cách tiếp cận này giúp các tổ chức tài chính EU đưa ESG thành tiêu chí ra quyết định quan trọng trong cho vay và đầu tư.
Mặc dù Mỹ có nhiều quy định bảo vệ môi trường, khung pháp lý ESG vẫn còn phân tán và chưa có tính bắt buộc cao như EU.
Tại châu Á, một số quốc gia đã xây dựng nền tảng pháp lý về ESG đáng chú ý.
Hàn Quốc triển khai hệ thống K-Taxonomy, phân loại rõ ràng 74 hoạt động kinh tế xanh theo 6 mục tiêu môi trường. Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh và kiểm soát hoạt động “rửa xanh”.
Singapore tích hợp ESG vào cấp tín dụng thông qua 3 hướng: cắt giảm tài trợ cho các dự án không bền vững, khuyến khích cho vay xanh, và quản lý rủi ro ESG trong thẩm định tín dụng.
Trung Quốc ban hành “Hướng dẫn Tài chính Xanh” cho ngân hàng và bảo hiểm, yêu cầu các tổ chức tài chính tích hợp ESG vào hệ thống quản lý rủi ro. Các ngân hàng Trung Quốc cũng bắt đầu đánh giá tín nhiệm ESG, phát triển sản phẩm đầu tư khí hậu và hỗ trợ ngành công nghiệp carbon thấp.
Việc hiểu rõ các quy định pháp lý về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng luật mà còn là chìa khóa để mở rộng sang các thị trường tiềm năng. Khi doanh nghiệp nắm vững yêu cầu pháp lý liên quan đến công bố thông tin ESG, đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng hay tiêu chí đầu tư xanh, họ có thể chủ động điều chỉnh chiến lược vận hành, hoàn thiện hệ thống quản trị và xây dựng báo cáo bền vững đạt chuẩn quốc tế.
Từ đó, doanh nghiệp có thể sở hữu lợi thế trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng niềm tin từ đối tác, khách hàng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng.
Gần đây, Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (APED) – Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Anh công bố Sổ tay ESG – bộ tài liệu hướng dẫn khung triển khai, lập báo cáo và áp dụng ESG cho ba ngành trọng điểm: Tài chính, Bất động sản – Xây dựng và Sản xuất. Dự án có sự tư vấn chuyên môn của Quỹ Châu Á Việt Nam và Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam).
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng APED, ESG đang trở thành kim chỉ nam cho phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Việc thực hành ESG không chỉ đáp ứng yêu cầu quốc tế mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư.
Sổ tay ESG được kỳ vọng là công cụ hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – từng bước tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào chiến lược kinh doanh một cách minh bạch, hiệu quả.
Ông Fergus McBean – Bí thư Thứ nhất về Khí hậu và Thiên nhiên của Đại sứ quán Anh – cho rằng ESG đang định hình lại chiến lược kinh doanh toàn cầu. Việc tuân thủ ESG giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế khó tính như Anh và EU, những nơi ngày càng yêu cầu báo cáo phát triển bền vững và hành động khí hậu cụ thể.
Tuy nhiên, ông McBean cũng lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn thiếu kiến thức và nguồn lực để triển khai ESG. Do đó, việc ban hành Sổ tay ESG và các hướng dẫn chuyên ngành là bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng ESG bài bản hơn. Ông khẳng định Vương quốc Anh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 thông qua các chương trình như UK PACT.
© thitruongbiz.vn