Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm 2025 ước tính lên tới 131.601 tỷ đồng.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/6/2025, có 65 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 86.953 tỷ đồng trong tháng 6/2025.
Trong tháng 6/2025, các doanh nghiệp đã mua lại 39.265 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 131.601 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 69.970 tỷ đồng, tương đương 53%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc trị giá 5.224 tỷ đồng trong tháng 6.
Một điểm đáng chú ý trong tháng 6 là sự gia tăng của các mã trái phiếu gặp khó khăn thanh toán. VBMA ghi nhận có 7 mã trái phiếu chậm trả gốc và lãi, với tổng giá trị lên tới 5.224 tỷ đồng, phản ánh rủi ro thanh khoản vẫn còn hiện hữu trong hệ thống, nhất là ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính có nền tảng tài chính yếu và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hạn chế.
Trên thị trường thứ cấp, hoạt động giao dịch trái phiếu riêng lẻ diễn ra sôi động với tổng giá trị giao dịch trong tháng 6 đạt 129.040 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên khoảng 6.145 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng trước. Tính đến cuối tháng 6, các ngân hàng thương mại lớn như ACB, MBBank, Techcombank đã hoàn tất khoảng 50% kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2025, phần còn lại dự kiến sẽ tiếp tục triển khai trong nửa cuối năm.
Bên cạnh khối tài chính, ngành bất động sản tiếp tục là lĩnh vực phát hành lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp phi tài chính. Riêng Vingroup và các đơn vị liên quan chiếm tới 81% tổng lượng phát hành trái phiếu bất động sản trong 6 tháng đầu năm, cho thấy nhu cầu vốn dài hạn trong lĩnh vực này vẫn rất lớn.
Thị trường trái phiếu cũng ghi nhận thông tin tích cực khi ngày 25/6/2025, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã chi trả hơn 7.000 tỷ đồng (tương đương 24,81% mệnh giá trái phiếu) cho các trái chủ của 25 mã trái phiếu do bốn doanh nghiệp thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát phát hành.
VIS Rating đánh giá, đây là một diễn biến tích cực cho các trái chủ, khi tòa án đã đảm bảo việc thực thi quyền lợi của các nhà đầu tư, tạo ra tiền lệ giúp tăng cường niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, thị trường dự kiến tiếp tục đón nhận các đợt phát hành mới từ các tổ chức tín dụng lớn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông qua phương án phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 10 năm, lãi suất thả nổi. Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng dự kiến huy động tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn tối đa 5 năm, lãi suất kết hợp cố định và thả nổi.
Với áp lực đáo hạn lớn cùng nhu cầu huy động vốn dài hạn ngày càng cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục là tâm điểm theo dõi của giới đầu tư và cơ quan quản lý. Khả năng cân đối dòng tiền, tái cơ cấu nợ, cũng như mức độ tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin và minh bạch tài chính của doanh nghiệp phát hành sẽ là yếu tố then chốt để giữ ổn định cho thị trường trong bối cảnh còn nhiều biến động.
© thitruongbiz.vn