Xét theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 63 địa phương, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước trong năm 2024.
Cục Thống kê vừa công bố Bảng xếp hạng chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2024. Năm 2024, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế - xã hội không biến động nhiều so với năm 2023.
Trong đó, vùng Đông Nam Bộ ghi nhận chỉ số SCOLI ở mức 100,37%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Xếp ngay sau là vùng Đồng bằng sông Hồng - vốn được lấy làm mốc chuẩn với 100%.
Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long đứng cuối bảng với chi phí sinh hoạt thấp nhất cả nước.
Theo Cục Thống kê, Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển lớn và các đô thị đông dân như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Quá trình đô thị hóa nhanh, cộng với thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, đã kéo theo giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang - đặc biệt là các nhóm nhà ở, ăn uống, giải trí, giao thông và y tế.
Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, Đông Nam Bộ có đến 7 nhóm ghi nhận mức giá cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng, như bưu chính và viễn thông; văn hóa, giải trí và du lịch; đồ uống và thuốc lá; giáo dục; giao thông; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Điều này phản ánh phần nào áp lực chi phí khi sinh sống tại khu vực phát triển năng động nhất cả nước.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng như may mặc và giày dép; dịch vụ y tế; ăn uống ngoài gia đình lại thấp hơn mức tham chiếu. Đây có thể xem là hệ quả của môi trường bán lẻ cạnh tranh gay gắt, sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các thương hiệu chuỗi và kênh phân phối hiện đại, tạo ra nhiều lựa chọn với mức giá linh hoạt cho người tiêu dùng.
Ở chiều ngược lại, Đồng bằng sông Cửu Long giữ vững vị trí vùng có mức sống rẻ nhất cả nước. Nhờ đặc điểm địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa và hệ thống sông ngòi chằng chịt, khu vực này có lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp - đặc biệt là lương thực, thủy sản và trái cây. Chính nguồn cung dồi dào tại chỗ đã giúp giá lương thực, thực phẩm cũng như dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại đây luôn thấp hơn các vùng khác.
SCOLI là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một kỳ báo cáo nhất định.
SCOLI cũng là cơ sở để tính toán GRDP theo sức mua tương đương. Doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ số này để đánh giá tính cạnh tranh về giá, thị phần, chi phí sản xuất.
Cá nhân có thể dùng chỉ số này tham khảo khi thương lượng tiền lương, xem xét khả năng di chuyển chỗ ở hoặc hoạch định chính sách di cư giữa các địa phương.
Các khoản chi khác như nhà ở, điện nước, giao thông, y tế và giáo dục cũng ở mức “mềm”. Điều này góp phần giúp chi phí sinh hoạt chung của người dân miền Tây dễ chịu hơn đáng kể so với những vùng đô thị hóa cao như Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Hồng.
Một xu hướng tích cực trong bức tranh chung là khoảng cách về giá giữa các vùng đã không còn quá xa như trước. Cục Thống kê nhận định sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong những năm gần đây đã góp phần làm giá cả hàng hóa và dịch vụ ngày càng tiệm cận giữa các địa phương.
Sự công khai minh bạch về giá bán, cộng thêm mức độ cạnh tranh cao giữa các nhà cung cấp khiến người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn đều có thể tiếp cận sản phẩm với mức giá tương đương. Việc các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng mạng lưới kho hàng phân tán khắp các tỉnh, thành cũng giúp rút ngắn thời gian giao hàng và tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Xét theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 63 địa phương, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước trong năm 2024.
Quảng Ninh xếp vị trí thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 99,94% so với Hà Nội.
TP HCM đứng thứ ba cả nước với chỉ số SCOLI bằng 99,8% so với Hà Nội. Tuy nhiên, mức độ đắt đỏ của TP HCM đã giảm so với năm 2023, khi đó chỉ số này là 98,44% và TP HCM đứng thứ hai sau Hà Nội.
Năm 2024, một số nhóm hàng của TP HCM có giá bình quân thấp hơn Hà Nội gồm may mặc, mũ nón và giày dép; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; văn hóa, giải trí và du lịch; giao thông; thiết bị và đồ dùng gia đình.
Ở chiều ngược lại, có một số nhóm hàng có giá bình quân cao hơn Hà Nội gồm nhóm giáo dục; bưu chính, viễn thông; đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế.
Theo Cục Thống kê, là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM có thu nhập bình quân đầu người và mức chi tiêu cao, dẫn đến mặt bằng giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn nhiều địa phương khác.
Hải Phòng, đứng thứ tư với chỉ số SCOLI bằng 98,43% so với Hà Nội.
Đà Nẵng xếp thứ năm cả nước về chỉ số SCOLI bằng 98,21% so với Hà Nội, tăng ba bậc trên bảng xếp hạng mức độ đắt đỏ so với năm 2023.
Theo Cục Thống kê, trong năm 2024 có 32 địa phương tăng bậc về mức độ đắt đỏ so với năm ngoái. 25 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ và sáu địa phương không biến động.
© thitruongbiz.vn