Giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 65 USD/thùng, tăng 2,35% lên 65,41 USD/thùng; trong khi dầu WTI cũng ghi nhận mức tăng 2,41%, lên 62,49 USD/thùng.
Theo ghi nhận của MXV, giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng nhờ tâm lý lạc quan của thị trường sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, trước khi những lo ngại về dư thừa nguồn cung quay trở lại.
Kết thúc tuần, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 65 USD/thùng, tăng 2,35% lên 65,41 USD/thùng; trong khi dầu WTI cũng ghi nhận mức tăng 2,41%, lên 62,49 USD/thùng.
Sau khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh được công bố ngày 8/5 tạo tâm lý lạc quan cho giới đầu tư, thị trường tiếp tục đón nhận thêm thông tin tích cực vào đầu tuần mới. Theo đó, sau cuộc đàm phán cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí đồng thời giảm mạnh mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, với hiệu lực tạm thời trong 90 ngày. Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%. Dù chỉ là thỏa thuận tạm thời, những động thái hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp nhiều thị trường, trong đó có thị trường năng lượng, khởi sắc trở lại sau thời gian dài căng thẳng thương mại.
Bên cạnh đó, những chỉ báo về lạm phát của Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Theo đó, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, làm gia tăng kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Những thông tin tích cực từ hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đã trở thành động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong phần lớn tuần qua. Tuy nhiên, tâm lý thị trường nhanh chóng đảo chiều khi lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung toàn cầu xuất hiện ở các phiên giao dịch cuối tuần. Những lo ngại này xuất phát từ tiến triển mới trong đàm phán giữa Mỹ và Iran, cùng các báo cáo cập nhật từ các tổ chức năng lượng lớn trên thế giới.
Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Iran đã giải quyết được nhiều bất đồng trong các vòng đàm phán trước và đang tiến rất gần tới một thỏa thuận mới liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu đạt được thỏa thuận đi kèm với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nguồn cung dầu từ Iran – quốc gia sản xuất lớn thứ ba trong OPEC – có thể quay trở lại thị trường quốc tế, với ước tính khoảng 800.000 thùng/ngày được bổ sung.
Cùng với đó, quyết định tăng sản lượng bất thường của OPEC+ càng làm dấy lên lo ngại về chênh lệch cung cầu trên thị trường dầu mỏ. Theo báo cáo tháng 5/2025 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến tăng nhanh hơn nhu cầu, với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi tăng trưởng nhu cầu chỉ đạt 740.000 thùng/ngày. Điều này đã kéo giá hai mặt hàng dầu giảm hơn 2% trong phiên 15/5. Trước đó, các báo cáo về việc dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng tạo áp lực giảm giá lớn trong phiên 14/5.
Sang phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu phục hồi trở lại khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang, đặc biệt là các vụ tấn công của lực lượng Houthi vào Israel, cùng với báo cáo về sự sụt giảm số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ. Thị trường cũng chú ý đến cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ – dù chưa đạt kết quả nổi bật, đây vẫn là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trong ba năm qua, góp phần gia tăng biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-dau-the-gioi-co-hai-tuan-tang-lien-tiep-d28638.html
© thitruongbiz.vn