Lực bán áp đảo trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua. Trên thị trường dầu thô thế giới, những thông tin về nguồn cung từ nhóm OPEC+ lan truyền đã gây áp lực lớn khiến giá đảo chiều giảm mạnh.
Kết phiên, giá dầu Brent đã giảm 1,96%, xuống mốc 66,12 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng giao dầu WTI vào tháng 6 cũng ghi nhận mức giảm tới 2,2%, lên mốc 62,27 USD/thùng. Trước đó, giá dầu đã có phiên hồi phục giá gần 2% sau những diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran.
Nguyên nhân chính thúc đẩy đà giảm trong phiên giao dịch trong ngày hôm qua là những thông tin trên thị trường về khả năng tăng sản lượng bất thường của OPEC+. Theo nhiều nguồn tin, một số nước thành viên đã đề xuất tăng thêm sản lượng trong tháng 6.
Trước đó, vào tháng 5, OPEC+ đã “bơm thêm” 411.000 thùng/ngày, gấp ba lần so với kế hoạch ban đầu. Vào tháng 4, nhóm này cũng đã tăng sản lượng ở mức 138.000 thùng/ngày. Những diễn biến trên đã khiến thị trường dấy lên lo ngại nguồn cung bị dư thừa, qua đó đẩy giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, việc một số quốc gia thành viên OPEC+ liên tục vượt hạn mức sản lượng dầu thô được phân bổ càng củng cố cho lo ngại nói trên của các nhà đầu tư, mặc cho các chính sách yêu cầu cắt giảm phần sản lượng dư thừa của OPEC+. Iraq và Kazakhstan là hai nước nổi bật nhất trong nhóm vi phạm, dù cả hai đều cam kết điều chỉnh sản lượng theo yêu cầu của OPEC+.
Dữ liệu từ Kpler cho thấy, xuất khẩu dầu của Iraq trong tháng 4 tiếp tục tăng, bất chấp lời hứa giảm 50.000 thùng/ngày so với mức 4,2 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng của Kazakhstan chỉ giảm 3% trong nửa đầu tháng 4, duy trì ở mức 1,47 triệu thùng/ngày – cao hơn 129.000 thùng so với hạn ngạch.
Hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Erlan Akkenzhenov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh hành động của mình. Nếu các đối tác của chúng tôi ... không hài lòng với việc điều chỉnh hành động của chúng tôi, thì một lần nữa chúng tôi sẽ hành động theo lợi ích quốc gia”. Tuyên bố này phản ánh thách thức trong việc thực thi cam kết OPEC+ khi phần lớn hoạt động khai thác tại nước này do các tập đoàn đa quốc gia như Chevron và ExxonMobil kiểm soát. Việc Kazakhstan không đặt trọng tâm vào việc đạt chỉ tiêu cắt giảm sản lượng dư thừa như theo yêu cầu của OPEC+ càng gây áp lực đè nặng lên giá dầu.
Ngoài ra, cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã công bố báo cáo hàng tuần với số liệu dự trữ dầu thô thương mại tăng khoảng 244.000 thùng trong tuần làm việc kết thúc vào ngày 18/4, trái ngược với những dự đoán giảm trước đó, qua đó càng củng cố đà giảm của giá dầu.
Nhóm chỉ số PMI tại Mỹ được công bố trong ngày cũng chưa thể khiến thị trường cảm thấy an tâm về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù chỉ số PMI nhóm ngành sản xuất đã bất ngờ tăng nhưng đi kèm với đó là các chỉ số PMI còn lại đều ghi nhận sự sụt giảm.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-dau-dot-ngot-dao-chieu-giam-manh-d28271.html
© thitruongbiz.vn