Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS, mã chứng khoán FTS : HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu hoạt động 239 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong hoạt đông tự doanh kỳ này ghi nhận âm 9,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 60 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ âm hơn 35 tỷ đồng đến từ việc đánh giá lại cổ phiếu MSH (CTCP May Sông Hồng), so với khoản lãi 44,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu môi giới của FPTS cũng giảm 36,7% so với cùng kỳ, còn 49 tỷ đồng do công ty áp dụng chính sách giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Ngược lại, điểm sáng là lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng gần 20% so với cùng kỳ lên mức 173 tỷ đồng.
Cũng trong kỳ, chi phí hoạt động của FPTS tăng gần 40% lên mức 137 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản vay tăng gấp đôi lên gần 83 tỷ đồng.
Kết quả, FPTS báo lợi nhuận trước thuế kỳ này gần 85 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 61 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 62% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận đáng kể, chủ yếu do ảnh hưởng từ mảng tự doanh và chi phí tài chính tăng vọt.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của FPTS đạt 551 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 258 tỷ và 213,7 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 32% và 34,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, FPTS đã hoàn thành khoảng 53% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2025.
Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của FPTS ghi nhận 11.280,2 tỷ đồng, tăng 15,5% sau 6 tháng đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương tương đương tiền tăng gấp 2,2 lần lên mức 1.277 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản cho vay với 7.243 tỷ đồng, trong đó cho vay margin 6.535 tỷ đồng.
Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) có giá gốc 2.013,5 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu chiếm 1.923 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần sau nửa đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn cố định gần 74 tỷ đồng và cổ phiếu niêm yết 14 tỷ đồng. Cổ phiếu niêm yết chiếm phần nhỏ hơn với 14 tỷ đồng, chủ yếu là cổ phiếu MSH với giá gốc đầu tư chỉ 13,45 tỷ đồng, tính đến cuối quý 2/2025, khoản đầu tư này có giá trị thị trường khoảng 534 tỷ đồng, cao gấp 40 lần giá vốn.
Trong diễn biến mới nhất, FPTS vừa đăng ký bán ra 519.670 cổ phiếu MSH bằng hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 9/7 đến ngày 7/8/2025 với mục đích thực hiện nghiệp vụ tự doanh. Nếu hoàn tất giao dịch, FPTS sẽ giảm sở hữu từ 13,71 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,189% vốn điều lệ MSH xuống 13,19 triệu cổ phiếu, chiếm 11,72% vốn điều lệ MSH.
Ở diễn biến khác, FTS vừa công bố thông tin về việc tiếp nhận đơn xin từ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Văn Dũng.
Căn cứ theo quy định, Hội đồng Quản trị sẽ tiến hành xem xét và thực hiện thủ tục miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Dũng khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc trong thời gian tới.
Trong đơn từ nhiệm, ông Dũng cho biết sau một thời gian đảm nhiệm vai trò Phó Tổng Giám đốc tại FPTS, ông đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phối hợp cùng Ban lãnh đạo điều hành hoạt động của công ty theo định hướng chiến lược và mục tiêu phát triển chung.
Tuy nhiên, hiện ông đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị và nhận thấy cần dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn cho vai trò này nhằm đảm bảo công tác định hướng chiến lược và giám sát hiệu quả hoạt động của công ty. Vì vậy, ông Dũng đề nghị được từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 23/7/2025 để tập trung toàn thời gian cho công tác quản trị ở vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông cũng cam kết phối hợp bàn giao công việc đầy đủ, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động chung của FPTS.
Ông Nguyễn Văn Dũng có trình độ Cử nhân Kế toán và Cử nhân Ngoại ngữ (chuyên ngành Tiếng Anh). Ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ ngày 1/8/2020.
© thitruongbiz.vn