Mới đây, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) công bố năm thứ ba liên tiếp có lãi và ghi nhận doanh thu kỷ lục trong năm 2024. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn thu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn trợ giá từ ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) ghi nhận doanh thu thuần 629 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu trợ giá chiếm gần 86%, phần còn lại là doanh thu từ hoạt động bán vé.
Còn lại doanh thu cung cấp dịch vụ (tức bán vé) chỉ chiếm 89,6 tỷ đồng, tương ứng 14%. Như vậy, cứ 1 đồng bán vé, Hanoi Metro lại nhận được 6 đồng trợ giá.
Dù nguồn thu từ bán vé không bù được giá vốn, nhưng cũng đã tăng 21% so với năm trước, thể hiện lượt bán vé ngày càng tăng cao trong bối cảnh tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào vận hành từ tháng 8/2024.
Doanh thu bán vé chưa đến 90 tỷ đồng, nhưng giá vốn lại lên tới 610 tỷ đồng cả năm ngoái, tăng 20%. Thực tế, việc bán vé chỉ bù đắp được khoảng 15% cho giá vốn bỏ ra.
Nhờ cải thiện giá vốn, biên lợi nhuận gộp của Hanoi Metro được nâng từ 1,5% lên 2,8%. Đáng chú ý, công ty đã bắt đầu ghi nhận giá vốn ở tuyến Nhổn - Ga Hà Nội tại kỳ kinh doanh vừa rồi.
Do không sử dụng vốn vay và kinh doanh ở lĩnh vực đặc thù, đơn vị vận hành 2 tuyến metro tại Hà Nội không ghi nhận chi phí tài chính hay bán hàng. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24% lên trên 22 tỷ đồng, hơn một nửa dành để trả lương nhân viên.
Tổng kết, Hanoi Metro báo lãi ròng hơn 15 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp đơn vị này thiết lập lợi nhuận dương.
Giá vé hiện tại của hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội được duy trì ở mức khá tương đồng, với vé lượt từ 8.000 đồng đến 12.000-15.000 đồng cho toàn tuyến. Vé ngày không giới hạn lượt di chuyển có giá 24.000-30.000 đồng, và vé tháng là 200.000 đồng cho khách phổ thông (100.000 đồng cho đối tượng ưu tiên). Với cơ cấu giá vé này, việc tự bù đắp chi phí vận hành khổng lồ là một thách thức lớn nếu không có trợ giá.
So với kế hoạch được giao, công ty đã vượt chỉ tiêu doanh thu gần 19% và vượt 15% mục tiêu lợi nhuận. Song, kế hoạch ban đầu chỉ được xây dựng với kịch bản vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trong khi đó, vào tháng 8/2024, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã chính thức đi vào vận hành thương mại đoạn trên cao sau 15 năm khởi công.
Năm ngoái, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội từng phải lên tiếng giải thích về các khoản lãi của Hanoi Metro. Vị này cho biết tuyến đường sắt đô thị hoạt động vẫn chưa có lãi, thậm chí đang có mức âm lớn với các khoản cần chi của công ty chủ quản. Do đó, khoản mục ghi nhận dưới hình thức lợi nhuận chỉ được xem là khoản tiết kiệm chi, hoặc khoản tiền chưa sử dụng đến từ số tiền ngân sách trợ giá đề ra.
Cơ quan hữu trách Hà Nội cũng cho biết mỗi năm Hanoi Metro cần đến hơn 500 tỷ đồng để chi cho các hoạt động, tuy nhiên doanh thu từ bán vé chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, số tiền còn lại thành phố phải bù vào theo hình thức trợ giá.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của Hanoi Metro tăng 152% lên 7.670 tỷ đồng, chủ yếu do công ty tiếp nhận bàn giao 10 đoàn tàu thuộc tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Ngoài ra, công ty còn có gần 900 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Việc sở hữu lượng tiền gửi lớn giúp công ty thu về gần 25 tỷ đồng tiền lãi trong năm vừa rồi.
Năm nay, Hanoi Metro được giao chỉ tiêu vận chuyển hơn 19,3 triệu lượt hành khách. Tổng doanh thu ước đạt hơn 878 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 21 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến đóng góp cho ngân sách hơn 16 tỷ đồng.
Nhiệm vụ trọng tâm của Hanoi Metro trong năm nay là triển khai áp dụng KPI, hệ thống quản lý và đánh giá chất lượng toàn công ty. Đồng thời, công ty cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp để gia tăng tiện ích cho hành khách, gia tăng doanh thu và giảm chi phí trợ giá của Nhà nước.
© thitruongbiz.vn