Bị cáo Trịnh Văn Quyết nói lời sau cùng, tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo liên đới, để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, có cơ hội làl lại cuộc đời và gửi lời xin lỗi đến tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án.
Ngày 29/7, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 50 bị cáo đồng phạm trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan được nói lời sau cùng trước khi nghị án.
Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được nói lời sau cùng đầu tiên trong số 50 bị cáo.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trình bày: Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, bị cáo có những hoài bão và ước mơ phát triển các lĩnh vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, cũng như làm thay da đổi thịt những vùng đất khó, đem lại việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động.
Tuy nhiên, tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn như vậy, bị cáo đã phải làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết nói và bật khóc: "Tôi rất hối hận vì trong quãng đời doanh nhân hơn 20 năm, dù luôn nỗ lực nhưng không thể thay đổi một sự thật, là nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp rơi vào vòng lao lý",
Bị cáo Quyết nói lời xin lỗi họ và tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo liên đới, để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.
Đồng thời, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng gửi lời xin lỗi đến tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói lời sau cùng |
Tiếp tục trình bày, ông Quyết tự nhìn nhận vụ án này "là bài học quá lớn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời tôi và những bị cáo khác". Bị cáo xin được dùng lời nói sau cùng của mình xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo.
Theo ông Quyết, bản thân bị cáo chưa xin giảm nhẹ cho mình không phải vì không muốn, mà do đứng trước hàng chục con người bị liên đới, bị cáo cảm thấy việc xin cho bản thân vào giờ phút này thực sự khó nói.
Ông Quyết cũng cảm ơn HĐXX và các vị đại diện VKS đã lắng nghe; mong HĐXX phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
Còn bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Thúy Nga) nói rất kính trọng anh Quyết, anh là niềm tự hào của gia đình, tại phiên tòa hôm nay, anh cũng xin nhận trách nhiệm và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và các bị cáo khác liên đới. Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh sớm làm lại cuộc đời.
Bị cáo Huế trình bày rất ân hận về việc làm của mình, hối hận nhất là những người tin tưởng mình là các anh, chị, các em, các cháu, đồng nghiệp mà vướng vòng lao lý. Bị cáo mong HĐXX xem xét, lượng hình, khoan hồng giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết, bị cáo và các bị cáo khác trong vụ án này.
Còn bị cáo Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC) cũng bày tỏ sự xót xa và đau lòng khi phải đứng ở đây, trong phiên tòa này.
“Bị cáo vô cùng ân hận về tất cả các hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Dù bị cáo không hề có động cơ, mục đích nhưng xét về tổng thể vụ án dẫn đến hậu quả chung là ảnh hưởng rất nhiều nhà đầu tư, nhiều người.
Nếu bị cáo biết những hành vi của mình là sai phạm thì bị cáo sẽ không thực hiện, bị cáo sẽ không bao giờ đánh đổi. Bị cáo về Tập đoàn FLC mong muốn được cống hiến, phát huy, đóng góp bằng kinh nghiệm, năng lực của mình trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản”, bị cáo Hương Trần Kiều Dung nói.
Cựu Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC rơi nước mắt trình bày trước tòa, bị cáo cũng như nhiều cán bộ, nhân viên Tập đoàn FLC rất tin tưởng, khâm phục vào tầm nhìn, chiến lược của anh Quyết trong đường hướng phát triển Tập đoàn FLC.
Bị cáo rất vui mừng và hạnh phục khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của đất nước thông qua Tập đoàn FLC. Các dự án của Tập đoàn FLC cũng tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, có ích cho xã hội, thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống của nhiều địa phương.
Bị cáo thật sự chỉ là người làm công ăn lương, bị cáo không được hưởng lợi gì. Trong suốt quá trình làm việc tại Tập đoàn FLC, bị cáo chỉ phụ trách chuyên môn mảng quy hoạch xây dựng, bất động sản.
Bị cáo đã gắn bó cả thanh xuân tại Tập đoàn FLC, hi sinh cả thời gian, sức khỏe của bản thân mình, bị cáo không ngại khó, không ngại khổ, không mưu lợi ích cá nhân. Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, bị cáo vô cùng hối hận.
Cựu Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC mong HĐXX xem xét, đánh giá vai trò, mức độ, hành vi của bị cáo để cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, mức hình phạt nhân văn nhất có thể.
Trước đó, trong phần đối đáp, VKS đánh giá phần lớn các bị cáo đều có trình độ, có hiểu biết, am hiểu lĩnh vực chứng khoán. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, với lòng tự trọng, hầu hết các bị cáo tự nhận thức được sai phạm, nhận lỗi về sai phạm của mình và có ý thức khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Tại phiên tòa này, VKS khẳng định bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán với số tiền đặc biệt lớn.
Liên quan đến việc xác định số lượng bị hại, theo đại diện VKS, các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng. Đây được xác định là bị hại của vụ án là hoàn toàn có căn cứ.
Tuy nhiên, sau khi các luật sư của bị cáo Quyết trình bày, cơ quan công tố đã rà soát và thấy có trường hợp trùng tên nên số lượng bị hại giảm từ hơn 30.000 xuống còn 25.000 trường hợp. Với việc xác định lại số bị hại, VKS khẳng định không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra truy tố của cơ quan tố tụng.
Trước đó, VKSND đề nghị phạt Trịnh Văn Quyết án từ 24 - 26 năm tù cho 2 tội danh. Hai em gái là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị từ 17 - 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga từ 10 - 12 năm tù. Về dân sự, bị cáo Quyết phải có trách nhiệm chính trong việc bồi thường.
VKSND còn đề nghị Tòa xử phạt bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, từ 8 - 9 năm tù; Lê Hải Trà, nguyên ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, từ 6 - 7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, từ 6 - 7 năm tù và Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, từ 3 - 4 năm tù cùng về Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bị đề nghị từ 36 - 42 tháng tù và Dương Văn Thanh, cựu Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, bị đề nghị từ 24 - 30 tháng tù cùng về tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 18 tháng tù đến 13 năm tù.
© thitruongbiz.vn