Những ông lớn công nghệ Mỹ đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) dường như không mấy bận tâm trước sự xuất hiện của DeepSeek, một mô hình AI mới đầy hứa hẹn đến từ Trung Quốc, bất chấp những lo ngại rằng nó có thể làm đảo lộn ngành công nghiệp này, theo The Hill.
Việc DeepSeek, một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, công bố một mô hình AI mới với khả năng gần ngang bằng với các mô hình tiên tiến nhất của Mỹ nhưng chi phí chỉ bằng một phần nhỏ đã tạo ra làn sóng chấn động trên thị trường tài chính.
Dù vậy, Sam Altman (CEO OpenAI), Mark Zuckerberg (CEO Meta) và Satya Nadella (CEO Microsoft) đều tỏ ra khá bình thản trước sự ra mắt của mô hình DeepSeek R1, ngay cả khi thông tin này đã khiến cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh.
DeepSeek tuyên bố rằng mô hình R1 của họ có khả năng ngang ngửa với AI của OpenAI nhưng chỉ tốn 5,6 triệu USD để huấn luyện - một con số vô cùng nhỏ bé so với hàng tỷ đô la mà các tập đoàn công nghệ Mỹ đã chi để xây dựng cơ sở hạ tầng AI.
Đây là một mô hình có năng lực tương đương với những gì chúng tôi đã có từ lâu. Chúng tôi hiểu rất rõ những gì cần thiết để vận hành một mô hình AI hiệu quả về chi phí.
Trong một sự kiện tại Washington DC, Sam Altman thừa nhận DeepSeek đã đạt được “một vài bước tiến đáng chú ý”, nhưng ông cho rằng mức độ ảnh hưởng của nó đang bị cường điệu hóa quá mức.
Tuy vậy, ông cũng không hoàn toàn xem nhẹ đối thủ mới này.
"Tôi không muốn hạ thấp công sức của họ. Họ đã làm được điều tuyệt vời và theo một cách nào đó, đây là lần đầu tiên trong một thời gian dài chúng tôi có một đối thủ thực sự mới mẻ.", Altman nói thêm.
Còn quá sớm để đưa ra đánh giá chắc chắn về tác động của DeepSeek đến chiến lược đầu tư hạ tầng của chúng tôi. Có rất nhiều xu hướng đang diễn ra cùng lúc, và tôi nghĩ rằng nếu AI trở nên dễ huấn luyện hơn thì nhu cầu sử dụng AI cũng sẽ tăng cao, đồng nghĩa với việc đầu tư vào hạ tầng vẫn là điều quan trọng
Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý IV của Meta, Mark Zuckerberg khẳng định Meta sẽ tiếp tục rót vốn mạnh mẽ vào hạ tầng AI, ngay cả khi DeepSeek đang nổi lên.
Trước đó, Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, thông báo kế hoạch chi từ 60 đến 65 tỷ USD trong năm 2025 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI.
Zuckerberg tin rằng việc tiếp tục đổ tiền vào cơ sở hạ tầng AI sẽ là lợi thế chiến lược dài hạn cho Meta: "Có thể một lúc nào đó chúng tôi sẽ rút ra bài học khác, nhưng hiện tại, tôi tin rằng khả năng xây dựng hạ tầng AI quy mô lớn sẽ là một lợi thế quan trọng - cả về chất lượng dịch vụ lẫn khả năng phục vụ số lượng người dùng khổng lồ mà chúng tôi mong muốn."
Tôi nghĩ rằng DeepSeek đã có một số đổi mới thực sự. Nhưng rõ ràng, khi công nghệ AI ngày càng phổ cập, người hưởng lợi lớn nhất chính là khách hàng.
Satya Nadella, CEO của Microsoft, cũng tỏ ra lạc quan khi nhắc đến DeepSeek trong cuộc họp báo cáo tài chính của công ty.
Microsoft đã công bố kế hoạch chi 80 tỷ USD trong năm 2025 để xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ AI.
"Nghịch lý Jevons lại tiếp tục chứng minh điều đó!"
DeepSeek tận dụng lợi thế từ quá trình phổ cập hóa AI - tức là việc công nghệ AI dần trở thành một sản phẩm có thể tiếp cận rộng rãi, thay vì chỉ thuộc về một số ít công ty độc quyền. Hiện nay, có hơn một triệu mô hình AI mã nguồn mở được chia sẻ trên nền tảng Hugging Face, tạo điều kiện cho bất kỳ ai cũng có thể học hỏi và phát triển các công nghệ mới.
DeepSeek đã sử dụng các mô hình này, huấn luyện và tối ưu hóa chúng để giảm nhu cầu tính toán, sau đó công khai toàn bộ mô hình của mình để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Đây là một cột mốc quan trọng, bởi nó cho thấy công nghệ không còn là thứ độc quyền của các tập đoàn khổng lồ, mà có thể được nhân rộng bởi những tổ chức nhỏ hơn.
Sự phổ cập AI này tương tự như nghịch lý Jevons – một nguyên lý kinh tế cho rằng khi công nghệ trở nên hiệu quả hơn, tổng mức sử dụng của nó không giảm mà còn tăng mạnh. Như CEO Microsoft Satya Nadella đã đăng trên X sau thông báo của DeepSeek rằng: "Nghịch lý Jevons lại tiếp tục chứng minh điều đó!"
Việc AI trở nên phổ biến sẽ không làm giảm giá trị của công nghệ này mà sẽ mở ra nhiều ứng dụng đột phá trong mọi lĩnh vực, từ y tế, tài chính đến nông nghiệp.
Cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ lớn đã lao dốc khi DeepSeek trở thành chủ đề nóng và nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên App Store của Apple.
Nvidia, hãng sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng AI, bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất 600 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong một ngày.
Mặc dù vậy, các CEO Big Tech vẫn không cho thấy dấu hiệu hoảng loạn, thậm chí còn coi đây là một phần của quá trình phổ cập hóa AI, giúp công nghệ này trở nên dễ tiếp cận hơn với nhiều người dùng.
DeepSeek là hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng cũng có thể là cơ hội.
Tổng thống Donald Trump đã gọi DeepSeek là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho các công ty công nghệ Mỹ.
"Các công ty công nghệ của chúng ta cần phải tập trung cao độ để giành chiến thắng", Trump tuyên bố. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây có thể là một bước phát triển tích cực cho ngành công nghiệp AI Mỹ.
"Thay vì chi hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đô la, giờ đây chúng ta có thể chi ít hơn mà vẫn đạt được kết quả tương tự", Trump phát biểu tại khu nghỉ dưỡng National Doral ở Miami, nơi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tổ chức kỳ họp chính sách thường niên.
DeepSeek: Mối đe dọa thực sự hay chỉ là cơn sốt ngắn hạn?
Dù DeepSeek đã và đang gây xôn xao giới công nghệ và tài chính toàn cầu trong thời gian qua, nhưng các ông lớn công nghệ Mỹ vẫn tin rằng họ có lợi thế lâu dài nhờ vào nguồn tài nguyên dồi dào và cơ sở hạ tầng AI khổng lồ.
Nhiều ý kiến cho rằng mô hình R1 của DeepSeek có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho AI, nơi công nghệ này không còn là đặc quyền của một số tập đoàn lớn mà trở nên phổ cập hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các ông lớn như OpenAI, Meta hay Microsoft sẽ bị lấn át.
Ngược lại, họ có thể sẽ tiếp tục duy trì vị thế bằng cách đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng AI, đồng thời tận dụng những tiến bộ mới để củng cố dịch vụ của mình.
Dù thế nào, cuộc đua AI vẫn chưa kết thúc và DeepSeek chỉ là một nhân tố mới trong một thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tiếp nối các cuộc tranh cãi dậy sóng xung quanh DeepSeek, đáng chú ý nhất tại Mỹ là sự kiện này cũng ngay lập tức trở thành cái cớ để một số người kêu gọi giảm giám sát nội địa và cho phép các tập đoàn công nghệ lớn mở rộng quyền lực, theo The Time.
Nhưng thực tế, điều này lại ngược lại với những gì
nước Mỹ cần. Nếu có bài học rút ra từ sự phát triển của DeepSeek, thì đó chính
là tầm quan trọng của việc bảo vệ đổi mới sáng tạo thông qua cạnh tranh công bằng,
thay vì để các tập đoàn công nghệ khổng lồ thao túng thị trường.
Một lập luận phổ biến từ Thung lũng Silicon là các công ty lớn cần thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn để tận dụng nguồn lực khổng lồ của họ nhằm thúc đẩy cuộc đua AI, từ đó bảo vệ lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bỏ qua thực tế rằng những đột phá của AI gần đây đều đến từ các startup đầy tham vọng như DeepSeek, OpenAI hay Anthropic, chứ không phải từ các gã khổng lồ công nghệ.
Chúng ta thường nghe rằng theo đuổi các vụ kiện chống độc quyền hoặc quy định các công ty công nghệ lớn sẽ làm suy yếu sự đổi mới của Mỹ và khiến chúng ta tụt lại so với Trung Quốc. Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng, các tập đoàn độc quyền khổng lồ không thể tạo ra những bước đột phá mà các startup đói khát có thể làm được. Để duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu, chúng ta cần bảo vệ sự đổi mới khỏi các tập đoàn độc quyền, chứ không phải bảo vệ các tập đoàn khỏi sự đổi mới.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Theo The Wall Street Journal, Google đã phát triển một chatbot AI tạo sinh từ hơn hai năm trước khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Google đã trì hoãn việc công bố công nghệ này, có thể vì lo ngại rằng nó sẽ đe dọa mô hình kinh doanh cốt lõi của họ là tìm kiếm trực tuyến.
Trong khi đó, một startup như OpenAI lại không bị ràng buộc bởi lợi ích tài chính khổng lồ từ các mô hình kinh doanh cũ. CEO của OpenAI, Sam Altman, từng nói với Elon Musk rằng: "Nếu AI kiểu này sắp xuất hiện, thì tốt hơn hết là để một công ty khác ngoài Google làm điều đó trước."
Điều này cho thấy, các công ty thống lĩnh thị trường thường bị kìm hãm bởi chính lợi ích kinh doanh của mình, và đó là lý do tại sao các startup nhỏ lại là những đơn vị tiên phong trong đổi mới công nghệ.
Cuộc đua AI đang bước sang vòng thứ hai. Nếu trong giai đoạn đầu, trọng tâm là phát triển mô hình AI tiên tiến nhất, thì giai đoạn tiếp theo sẽ là ứng dụng rộng rãi AI vào mọi khía cạnh của đời sống.
Tuy nhiên, để điều đó diễn ra, những quốc gia như Mỹ cần một thị trường mở, tránh tình trạng đổi mới bị nuốt chửng bởi các tập đoàn độc quyền. Trong quá khứ, Google, Meta, Amazon đã lớn mạnh nhờ các hoạt động phi cạnh tranh như thâu tóm đối thủ và thao túng thị trường.
Chính vì vậy, các cơ quan quản lý đã có những động thái mạnh tay. Điển hình, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Google vì vi phạm luật chống độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Vụ kiện chống độc quyền của Google trong mảng quảng cáo trực tuyến dự kiến sẽ có phán quyết quan trọng trong thời gian tới.
FTC đang kiện Meta, cáo buộc công ty này duy trì thế độc quyền
trong mạng xã hội bằng cách mua lại Instagram và WhatsApp.
Thay vì để các tập đoàn khổng lồ ngày càng bành trướng, nhiều ý kiến cho rằng nên tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, đảm bảo rằng sự đổi mới không bị kìm hãm bởi những “người khổng lồ” cũ kỹ.
Theo The Time, nếu muốn duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI, Mỹ cần tạo điều kiện để các startup phát triển, thay vì để các công ty lớn thâu tóm họ.
Điều này đòi hỏi những giả pháp như tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, có thể thông qua chính sách thuế hoặc quỹ đầu tư từ Chính phủ. Đồng thời, cần nới lỏng điều kiện niêm yết để các startup có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán, thay vì chỉ trông chờ vào các thương vụ mua lại.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng cần thiết lập quy định giám sát chặt chẽ AI, đặc biệt là kiểm toán mô hình AI tương tự như cách kiểm toán hệ thống tài chính, để đảm bảo công nghệ này không bị lạm dụng.
Sự bùng nổ AI cũng kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là khi một quỹ đầu cơ như DeepSeek có thể cách mạng hóa AI chỉ sau một đêm. Điều này đòi hỏi Mỹ phải có những hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo AI phát triển theo hướng có lợi cho xã hội.
Tựu trung lại, nhiều ý kiến lạc quan khẳng định rằng sự kiện DeepSeek không phải là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang mất đi lợi thế trong cuộc đua AI. Thay vào đó, nó chứng minh rằng một thị trường cạnh tranh, không bị thao túng bởi các tập đoàn độc quyền, sẽ thúc đẩy đổi mới nhanh hơn.
Nếu Mỹ thực sự muốn duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI, thay vì để các “ông lớn” công nghệ ngày càng mạnh hơn, quốc gia này sẽ cần một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cởi mở, có giám sát hợp lý, và đảm bảo cơ hội công bằng cho tất cả doanh nghiệp.
Đây cũng là bài học nhãn tiền cho các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam, khi bước vào "cuộc chiến AI".
© thitruongbiz.vn