Sự bền vững trong kinh doanh không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là hành động của mỗi cá nhân. Doanh nghiệp tích hợp ESG tạo giá trị lâu dài, trong khi từng cá nhân có thể đóng góp bằng lối sống bền vững. Sự chung tay này chính là giải pháp cốt lõi cho một tương lai phát triển toàn diện.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu ngày càng chú trọng đến trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đã trở thành một xu hướng tất yếu trong chiến lược của các doanh nghiệp.
Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển kinh tế xanh, đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận mà còn phải cân nhắc sâu sắc đến yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và thu hút vốn đầu tư, mà còn mở ra cơ hội hợp tác toàn cầu. Đồng thời, việc tham gia vào các dự án bền vững như giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng tái tạo hay phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quốc tế, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm tất yếu trong kỷ nguyên mới.
Mặt khác, không chỉ các doanh nghiệp, mà các tổ chức, cá nhân đều cần chung tay, góp sức để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Điển hình mới đây, Dự án Công dân bền vững (DSCP) - Design Thinking Sustainable Citizen Project (DSCP) vừa được ra mắt với mục tiêu thúc đẩy sự liên kết, sáng tạo hướng đến phát triển bền vững của toàn xã hội. DSCP được Cộng đồng Design Thinking phối hợp cùng Techfest Việt Nam tổ chức, thuộc khuôn khổ Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ.
Dự án áp dụng tư duy thiết kế lấy con người làm trung tâm, nhằm hỗ trợ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đồng thời thúc đẩy sáng tạo và liên kết toàn xã hội. DSCP hướng đến các cá nhân cầu tiến, doanh nhân, nhà sáng tạo và các tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới tại Việt Nam.
Xoay quanh các câu chuyện về xu hướng ESG và sáng kiến phát triển bền vững, ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT HSTC Fund, đã đưa ra những quan điểm cụ thể hơn với phóng viên để làm rõ hơn xu hướng này.
Nhìn chung, xu hướng ESG có thể còn tương đối mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, trong khi đó “phát triển bền vững” có thể là khái niệm phổ biến hơn. Tuy nhiên, việc thực thi ESG hiện nay không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, thu hút đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đây được xem là một trong những “chìa khóa” để doanh nghiệp vươn xa và tạo dựng giá trị lâu dài, đồng hành cùng xu thế phát triển bền vững toàn cầu.
- Xin ông cho biết, với sự chuyển mình của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển kinh tế xanh, tại sao việc tích hợp các tiêu chuẩn ESG lại trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, và ông đánh giá thế nào về tác động của xu hướng này đối với vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế?
Có thể khẳng định rằng, việc tích hợp ESG mang đến rất nhiều lợi ích.
Trước hết là uy tín và vị thế cạnh tranh. Doanh nghiệp tích hợp ESG hiệu quả sẽ tăng cường uy tín và vị thế cạnh tranh trên thị trường trong nước. Ví dụ, các doanh nghiệp này không chỉ khẳng định giá trị thương hiệu mà còn có cơ hội nhận được sự hỗ trợ truyền thông miễn phí, qua đó tiếp cận được nhiều khách hàng và đối tác hơn. Đây là lợi thế quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Thứ hai, ESG đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các nhà đầu tư, khi họ ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Sự minh bạch và trách nhiệm này không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn xây dựng lòng tin lâu dài, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Ngoài ra, áp dụng ESG còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Một minh chứng cụ thể về áp dụng tốt chỉ số “G” là Greenlife JSC, với sự hỗ trợ từ HSTC Fund, đã triển khai thành công mô hình ESCO 5in1, bao gồm năng lượng mặt trời (Solar), lưu trữ năng lượng (BESS), hiệu quả năng lượng (EE), trạm sạc xe điện (EV charger) và chứng chỉ năng lượng tái tạo (I-REC) trong năm 2024.
- Theo ông, những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải khi áp dụng các tiêu chuẩn ESG và tham gia vào các dự án phát triển bền vững là gì?
Theo tôi, hai thách thức lớn nhất cần kể đến là thách thức về nguồn lực và chi phí, cũng như thách thức về nhận thức và hiểu biết.
Về thách thức thứ nhất, việc tích hợp ESG có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư một lượng không hề nhỏ về nguồn tài chính và nhân lực, từ việc xây dựng hệ thống quản lý đến việc áp dụng các công nghệ và quy trình mới. Điều này đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi nguồn lực thường bị giới hạn.
Với thách thức thứ hai, nhận thức và hiểu biết về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đồng đều. Nhiều tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ESG trong việc tạo ra giá trị bền vững, dẫn đến sự thiếu quyết tâm trong việc áp dụng các tiêu chuẩn này. Để vượt qua thách thức này, cần có những nỗ lực nhằm đào tạo và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tầm quan trọng của ESG trong cộng đồng doanh nghiệp.
- Liệu có những giải pháp hoặc chiến lược nào có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản này một cách hiệu quả?
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là cần tăng cường sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tích hợp ESG một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho họ vượt qua các thách thức về nguồn lực, chi phí và nhận thức.
- Bên cạnh những thách thức, ông có thể phân tích những cơ hội tiềm năng mà xu hướng phát triển bền vững mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Trong việc tiếp cận vốn đầu tư, xây dựng thương hiệu và tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng, trong ngắn hạn, tôi đánh giá các doanh nghiệp thuộc các nhóm: xuất khẩu, doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB), năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, du lịch bền vững, có rất nhiều cơ hội.
Các doanh nghiệp thực hành ESG cũng đang có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ tín dụng xanh và gia tăng đơn hàng xuất khẩu.
HSTC Fund chúng tôi cũng cân nhắc đầu tư hoặc tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có báo cáo và thực hành ESG, dù chưa đáp ứng theo chuẩn quốc tế nhưng chuyên gia của chúng tôi có thể đánh giá dựa trên sự tiến bộ theo từng giai đoạn, nếu đủ điều kiện thì có thể giải ngân. Một trường hợp cụ thể là LKT Coffee – cà phê nghệ nhân vừa hoàn thành báo cáo vào cuối tháng 12/2024.
- Mới đây, Dự án Công dân bền vững - Design Thinking Sustainable Citizen Project (DSCP) vừa được ra mắt với mục tiêu thúc đẩy sự liên kết, sáng tạo hướng đến phát triển bền vững của toàn xã hội. Xin ông chia sẻ một số đánh giá về dự án này?
Theo tôi được biết, khái niệm công dân bền vững đã được hơn 50 chuyên gia và học giả trong nước xây dựng. Dưới góc độ của một nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tôi đề xuất rằng mỗi công dân bền vững cần tự giảm thiểu dấu chân carbon của mình xuống mức Net-zero. Kết hợp cùng các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện mục tiêu Net-zero, chúng ta sẽ có thể hiện thực hóa cam kết 2050 của Chính phủ.
Tại Lễ ra mắt Dự án DSCP, bà Dương Tường Nhi, nhà sáng lập Cộng đồng Design Thinking, cho biết công dân bền vững là người ý thức về mối quan hệ giữa môi trường, kinh tế và xã hội, đồng thời nỗ lực hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn. Dự án DSCP cho ra mắt 05 hành trình để trở thành công dân bền vững, từ trải nghiệm du lịch bền vững, thay đổi lối sống, tư duy, đến sáng tạo và trao giá trị thông qua các dự án tác động xã hội.
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP HCM (HUIT), cũng nhấn mạnh xây dựng thế hệ công dân bền vững là một trong những yếu tố cốt lõi thực hiện cam kết Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050.
Xin trân trọng cám ơn ông Hưng!
© thitruongbiz.vn