Hơn 2.000 nghiên cứu, trên gần 100.000 địa điểm khắp các châu lục, cho thấy hoạt động của con người đã có "những tác động chưa từng có đối với đa dạng sinh học".
Kết luận từ một tổng hợp hơn 2.000 nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ (Eawag) và Đại học Zurich. bao gồm gần 100.000 địa điểm trên khắp các châu lục, cho thấy hoạt động của con người đã dẫn đến "những tác động chưa từng có đối với đa dạng sinh học".
Chia sẻ với tờ Guardian (Anh), giáo sư Florian Altermatt từ Đại học Zurich và Eawag nhận định: "Đây là một trong những tổng hợp lớn nhất về tác động của con người đối với đa dạng sinh học từng được thực hiện trên toàn cầu."
Nghiên cứu đã xem xét các môi trường trên cạn, nước ngọt và biển, bao gồm tất cả các nhóm sinh vật như vi khuẩn, nấm, thực vật, động vật không xương sống, cá, chim và thú.
Kết quả cho thấy, áp lực từ con người đã làm thay đổi rõ rệt thành phần cộng đồng sinh vật và giảm đa dạng địa phương. Trung bình, số lượng loài tại các địa điểm bị tác động bởi con người giảm gần 20% so với các địa điểm không bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, sự suy giảm nghiêm trọng được ghi nhận ở các loài bò sát, lưỡng cư và thú, do quần thể của chúng thường nhỏ hơn so với động vật không xương sống, làm tăng nguy cơ tuyệt chủng.
Phân tích này đã đánh giá năm yếu tố chính gây suy giảm: thay đổi môi trường sống, khai thác trực tiếp tài nguyên (như săn bắn, đánh bắt), biến đổi khí hậu, loài xâm lấn và ô nhiễm.
Phát hiện của chúng tôi cho thấy cả năm yếu tố này đều có tác động mạnh mẽ đến đa dạng sinh học trên toàn thế giới, trong tất cả các nhóm sinh vật và trong mọi hệ sinh thái.
Những kết quả này nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai các chiến lược bảo tồn hiệu quả để bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học trên hành tinh.
Ô nhiễm môi trường và những biến đổi trong môi trường sống, chủ yếu do hoạt động nông nghiệp, đang gây tác động tiêu cực đáng kể đến đa dạng sinh học.
Nông nghiệp thâm canh, đặc biệt là canh tác cây hàng năm, sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón, không chỉ làm giảm số lượng loài mà còn thay đổi cấu trúc cộng đồng sinh vật.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các loài vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Mặc dù tác động tổng thể của con người đến đa dạng sinh học là tiêu cực, nhưng vẫn tồn tại những khác biệt: ảnh hưởng đến động vật hoang dã thay đổi theo địa điểm, cũng như mức độ đồng nhất hóa đa dạng sinh học do hoạt động của con người.
Trước nghiên cứu này, chưa từng có một tổng hợp nào kết hợp kết quả từ số lượng lớn các nghiên cứu về đa dạng sinh học trên toàn cầu để xem xét tác động của con người đến mọi nơi trên hành tinh và đến tất cả các nhóm sinh vật; hầu hết các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào một địa điểm cụ thể hoặc một tác động nhân tạo cụ thể. Điều này khiến việc đưa ra những kết luận chung về ảnh hưởng của hoạt động con người đến đa dạng sinh học trở nên khó khăn.
Không chỉ số lượng loài đang giảm sút. Áp lực từ con người cũng đang thay đổi cấu trúc của các cộng đồng loài.
Ví dụ, ở các khu vực núi cao, các loài thực vật chuyên biệt đang bị thay thế bởi những loài thường sinh trưởng ở độ cao thấp hơn. Quá trình này được gọi là "thang máy dẫn đến tuyệt chủng" vì các loài thực vật ở độ cao lớn không còn nơi nào khác để di chuyển. Điều này có thể dẫn đến việc số lượng loài có thể giữ nguyên, nhưng tính đa dạng bị giảm sút.
"Đảo ngược xu hướng mất mát và thay đổi đa dạng sinh học hiện nay là một trong những thách thức lớn nhất mà xã hội chúng ta đang đối mặt," các nhà nghiên cứu nhấn mạnh. Họ cho rằng nghiên cứu này sẽ cung cấp một "cột mốc quan trọng" cho việc phát triển và đánh giá các chiến lược bảo tồn trong tương lai.
Lynn Dicks, giáo sư sinh thái học tại Đại học Cambridge, nhận xét rằng đây là một phân tích hữu ích và quan trọng, nhưng cho rằng các phát hiện không gây ngạc nhiên lớn.
Bà nói: "Chúng ta biết rằng con người đang thay đổi đáng kể đa dạng sinh học trên toàn cầu, tạo ra những cộng đồng mới và khác biệt của thực vật, động vật và vi sinh vật có thể thích nghi với những điều kiện đôi khi rất khắc nghiệt mà chúng ta tạo ra."
Một mối quan tâm lớn đối với tôi là làm thế nào để đảm bảo rằng những loài có thể sống cùng chúng ta, nhiều trong số đó cung cấp các chức năng sinh thái quan trọng như thụ phấn, phân hủy và phát tán hạt giống, có đủ quần thể và đa dạng di truyền để tiếp tục tiến hóa.
Giáo sư Alexandre Antonelli, giám đốc khoa học tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew, cho biết nghiên cứu này cho thấy với độ rõ nét chưa từng có về ảnh hưởng tiêu cực phổ biến của hoạt động con người đối với thiên nhiên.
Ông nói thêm: "Đây là một nghiên cứu xuất sắc cho thấy tầm quan trọng của việc bao gồm đa dạng sinh học – từ thực vật và nấm đến động vật có vú và cá – trong việc đánh giá tác động của con người đối với đa dạng sinh học ở các quy mô địa phương, khu vực và toàn cầu."
© thitruongbiz.vn