Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang ở mức 2,8 tỷ USD và là người giàu thứ 1.377 trên thế giới, tăng thêm so với ngày trước đó là 165 triệu USD. Bà Thảo giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (với 11,9 tỷ USD tính đến 21/7).
Sau nhiều phiên giao dịch giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm, VN-Index hôm nay 22/7 đã chính thức bứt phá khỏi vùng điểm này một cách vững chắc, với lực đẩy mạnh mẽ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 24,49 điểm (1,65%) lên 1.509,54 điểm với 224 mã tăng, 103 mã giảm và 43 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 2,06 điểm (0,84%) lên 247,85 điểm với 106 mã tăng, 69 mã giảm và 64 mã đứng giá. Thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE gần 33.800 tỷ đồng, giảm 1.700 tỷ đồng so với phiên trước. Nếu tính cả sàn HNX, thanh khoản đạt khoảng 36.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VJC tiếp tục duy trì mức giá trần, trong khi cả ba cổ phiếu họ Vingroup tăng mạnh: VHM tăng 3,8%, VIC tăng 4,91% và VRE tăng 3,45% - cổ phiếu này trước đó còn giảm vào cuối phiên sáng. Ngoài ra, BCM cũng từ trạng thái giảm chuyển sang tăng ấn tượng 2,1% khi chốt phiên 22/7.
Tuy nhiên, mọi sự chú ý hôm nay đổ dồn về tâm điểm cổ phiếu VJC. Theo đó, cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch. Cổ phiếu này tăng trần, bất chấp khối ngoại bán rất mạnh gần 20,2 triệu đơn vị, trong khi chỉ mua vào khoảng 380.000 đơn vị trong buổi sáng. Khối lượng bán ròng gần 20 triệu đơn vị, thông qua giao dịch thỏa thuận tại mức giá 94.000 đồng/cp, với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù áp lực bán lớn đến từ khối ngoại nhưng cổ phiếu VietJet ghi nhận dư mua ở mức giá trần hơn 2,2 triệu đơn vị. Cổ phiếu VJC tăng trần 6.600 đồng, đạt mức 101.700 đồng/cp.
Trong phiên liền trước, hôm 21/7, VJC đã tăng gần 2% lên 95.100 đồng/cp, giúp tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng thêm hơn 140 triệu USD, đạt mức 2,8 tỷ USD theo ước tính của Forbes
Việc cổ phiếu VJC tăng trần kéo theo tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet cũng tăng mạnh, khi bà Thảo sở hữu 47,47 triệu cổ phiếu VJC và thông qua công ty Huong Duong Sunny Investment Co. bà nắm giữ thêm gần 155 triệu cổ phiếu VJC. Tổng giá trị 202,4 triệu cổ phiếu VJC mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm giữ ước tính khoảng 20.584 tỷ đồng.
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang ở mức 2,8 tỷ USD và là người giàu thứ 1.377 trên thế giới, tăng thêm so với ngày trước đó là 165 triệu USD. Bà Thảo giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (với 11,9 tỷ USD tính đến 21/7).
Về kết quả kinh doanh, quý I/2025, Vietjet ghi nhận doanh thu hàng không đạt 17.920 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế đạt 820 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt mức doanh thu 17.952 tỷ đồng và 836 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Vietjet cũng có nhiều hoạt động nổi bật, khẳng định vị thế của hãng trên thị trường hàng không.
Tháng 1/2025, Vietjet ghi dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển với việc thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Trong chuyến đi, các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD giữa Vietjet và các đối tác chiến lược tại Hoa Kỳ đã được thảo luận trên tinh thần tích cực, nối tiếp các thỏa thuận chiến lược khác của Vietjet với các tập đoàn hàng đầu như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell… với tổng giá trị gần 50 tỷ USD.
Tháng 5/2025, Vietjet và Qazaq Air ký biên bản hợp tác đánh dấu lần đầu tiên một hãng hàng không Việt Nam hiện diện hoạt động chính thức tại một quốc gia Trung Á. Theo kế hoạch, Vietjet Qazaqstan sẽ khai thác ít nhất 20 tàu bay Boeing 737, được Boeing hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và bảo dưỡng. Việc thiết lập trung tâm vận hành tại Kazakhstan là bước đi chiến lược, tạo điều kiện để hãng mở rộng kết nối từ Đông Nam Á đến các thị trường quan trọng như Nga, châu Âu và khu vực CIS. Đây là bước tiến đáng kể, góp phần đưa Vietjet trở thành mắt xích trong mạng lưới vận tải hàng không xuyên lục địa.
Trước đó, Vietjet Thái Lan đã trở thành một trong những hãng hàng không chi phí thấp hàng đầu tại Thái Lan sau thời gian hoạt động hiệu quả.
Vietjet cũng công bố kế hoạch mở rộng đội tàu bay với hợp đồng đặt mua thêm 20 chiếc Airbus A321neo, dự kiến giao hàng từ 2026.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 30/5, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nói: “Vietjet hôm nay không chỉ là hãng hàng không tiên phong, mà đã trở thành một hãng hàng không đa quốc gia mang khát vọng vươn xa, hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng với thế giới. Chúng tôi không ngừng mở rộng mạng bay quốc tế, nâng tầm hiện diện tại khu vực và toàn cầu, đồng thời tiên phong kết nối những điểm đến mới, mở ra cơ hội phát triển cho thương mại, du lịch và đầu tư".
© thitruongbiz.vn