WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,5% trong năm nay dựa trên việc xem xét các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, xuất khẩu sẽ là một động lực để phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.
Bà Dorsati Madani phân tích: WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,5% trong năm nay dựa trên việc xem xét các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, xuất khẩu sẽ là một động lực để phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.
WB lý giải: Dự báo tăng trưởng của Mỹ cũng đã tăng lên 2,3%, trong khi đó, thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đó là một dấu hiệu rất tốt về sự phục hồi nhất định của xuất khẩu. Các yếu tố còn lại là đầu tư, khu vực tư nhân, đầu tư và cả tiêu dùng trong nước.
Về thị trường bất động sản, WB cho rằng, thị trường này vốn gặp khó khăn và chững lại trong năm ngoái, vẫn chưa thể hồi phục ở hiện tại. Tuy nhiên, về khuôn khổ pháp lý, việc Luật Đất đai và các luật liên quan đến đất đai khác đang được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình phục hồi trong thời gian tới, có thể là vào quý cuối hoặc cuối năm, góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân đang tăng lên.
Về lãi suất, chuyên gia WB cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, với doanh nghiệp, quan trọng là có thể bán được hàng, có đầu ra. Một khi xuất khẩu hay đầu ra sụt giảm, thì việc hạ lãi suất cũng không có nhiều ý nghĩa, vì nếu không có đầu ra, thì DN có vay cũng không mang lại hiệu quả.
Hơn nữa, nếu Việt Nam giảm lãi suất quá sâu, có thể dẫn đến chênh lệch giữa lãi suất trong nước và lãi suất toàn cầu gia tăng có thể áp lực lên tỉ giá hối đoái. Do đó, cần hết sức chú ý đến chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế và thận trọng về vấn đề này.
Lưu ý về những trở ngại tăng trưởng, WB nhận thấy là sự phục hồi của tăng trưởng tiêu dùng vẫn chưa đạt mức như thời kỳ trước COVID-19. Các hộ gia đình thường thận trọng hơn trong việc chi tiêu. WB kỳ vọng vào cuối năm nay, mức tiêu thụ nội địa này sẽ bắt đầu phục hồi.
Đáng chú ý, WB cũng lưu ý về vấn đề cung cấp điện. Nếu Việt Nam bảo đảm tăng trưởng trong sản xuất và phân phối điện, sẽ giúp nền kinh tế phát triển. Điều thực sự quan trọng đối với Việt Nam là đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng cho tương lai, đó là nền kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng cốt lõi, viễn thông, đường sá, điện, triển khai kinh tế số... Đại diện WB cũng băn khoăn về việc chưa có các "gói" hỗ trợ mới và cho rằng nên có thêm các chương trình hỗ trợ kinh tế thúc đẩy tăng trưởng như các năm gần đây.
Chuyên gia Dorsati Madani nhấn mạnh: Điểm đáng khích lệ là dòng vốn FDI tăng trưởng và giải ngân khá tốt, đó là một dòng chảy vững chắc và điều đó sẽ tiếp tục trong trung hạn.
"Tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công và WB có cùng quan điểm về động thái này. Bởi trong ngắn hạn, nếu đẩy đầu tư công vào nền kinh tế sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu, tạo việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi", bà Dorsati Madani nói.
Chuyên gia WB khuyến nghị: Việt Nam cần bảo đảm nền kinh tế trở nên xanh hơn, nền kinh tế nên đầu tư vào CNTT, nền kinh tế kỹ thuật số. Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản, dịch vụ cảng vận tải viễn thông được cải thiện là điều kiện thuận lợi tiếp tục giúp Việt Nam có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và sản xuất.
Chuyên gia WB nhận định: Trong tương lai, trừ khi có một cuộc khủng hoảng lớn khác xảy ra trên thế giới, WB dự báo kinh tế Việt Nam vào năm 2025 sẽ có mức tăng trưởng sẽ đạt 6%, sau đó vào năm 2026 là 6,5%, vì vậy, sự phục hồi trong tương lai là tích cực. Thậm chí, trong kịch bản tích cực, nếu tốc độ tăng trưởng của Mỹ và EU cao hơn dự kiến, thì khả năng tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam cũng sẽ tăng cao hơn nữa.
"Chúng tôi cho rằng Việt Nam có triển vọng tích cực, rất hứa hẹn cho FDI. Nhận định này xuất phát từ thực tế là dòng vốn FDI rất vững chắc và khá ổn định, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh", bà Dorsatin Madani nhấn mạnh.
© thitruongbiz.vn