Chứng khoán Mỹ tăng điểm thần tốc trong phiên ngày 9/7 (theo giờ thế giới). Đáng chú ý, trong phiên này, Nvidia đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới chạm mốc giá trị vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD,.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Dow Jones tăng 217,54 điểm (+0,49%) lên 44.458,30 điểm, S&P 500 leo 37,74 điểm (+0,61%) thành 6.263,26 điểm và Nasdaq Composite leo 192,87 điểm (+0,95%) đạt 20.611,34 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, có 8 lĩnh vực tăng điểm, dẫn đầu là tiện ích tăng 1% và công nghệ thêm 0,9%. Ngược lại, hàng tiêu dùng thiết yếu lại giảm mạnh nhất, mất 0,6%.
Biên bản cuộc họp giữa tháng Sáu của Fed cho thấy hầu hết các quan chức Fed cho rằng việc cắt giảm lãi suất trong năm nay là phù hợp, và các cú sốc về giá từ thuế nhập khẩu của ông Trump chỉ là "tạm thời hoặc khiêm tốn". Tuy nhiên, có rất ít sự ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp cuối tháng Bảy.
Đáng chú ý, trong phiên này, Nvidia đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới chạm mốc giá trị vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD, củng cố vị thế là một trong những cổ phiếu được ưa chuộng nhất trên Phố Wall nhờ hưởng lợi từ làn sóng bùng nổ nhu cầu đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Cổ phiếu của Nvidia kết thúc phiên giao dịch này với mức tăng 1,8%, đạt giá trị vốn hóa thị trường khoảng 3.970 tỷ USD. Diễn biến này đã góp phần nâng đỡ chỉ số Nasdaq, giúp chỉ số này đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Bên cạnh Nvidia, thị trường chứng khoán còn nhận được lực đẩy từ các công ty vốn hóa siêu lớn khác, bao gồm Microsoft Corp với mức tăng 1,4% và Amazon.com với mức tăng 1,5%.Ông Kevin Gordon, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Charles Schwab, cho biết giới đầu tư đang có xu hướng “thiên vị” các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn.
Theo ông, ở một mức độ nào đó, đây là hành động tìm đến kênh trú ẩn an toàn nhưng không theo cách truyền thống.Mặc dù các chỉ số chính trên Phố Wall đã giảm điểm vào đầu tuần do những lo ngại về thương mại, nhưng sau đó chứng khoán Mỹ đã ổn định trở lại. Các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư đã quen với cách thức đe dọa áp thuế của ông Trump. Và với việc thời hạn áp thuế mới nhất được lùi đến ngày 1/8, nhiều người dự đoán rằng các cuộc đàm phán sẽ xoa dịu cuộc chiến thương mại.
Mới đây nhất, chính quyền Trump đã gửi thư đến 7 quốc gia, yêu cầu áp mức thuế 30% đối với Algeria, Iraq, Libya và Sri Lanka; 25% đối với Brunei và Moldova; 20% đối với Philippines và cao nhất là 50% đối với Brazil.
Phía Liên minh châu Âu cho biết có thể đạt được thỏa thuận khung thương mại với Mỹ trong vài ngày tới.
Một ngày trước đó, ông Trump đã đẩy mạnh chiến dịch thuế quan bằng tuyên bố áp thuế 50% lên đồng đỏ (copper), đồng thời cam kết sẽ thực hiện các mức thuế lớn đối với chất bán dẫn và dược phẩm. Hôm thứ Hai, ông cũng cảnh báo áp thuế đối với 14 đối tác thương mại, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Thị trường đang dần “miễn nhiễm” với tin xấu về thuế quan. Ba tháng qua, tăng trưởng vẫn tích cực, và chưa có gì quá tồi tệ xảy ra. Vì vậy, thị trường đang nghĩ rằng có thể vượt qua rào cản này”, ông Chris Brigati, giám đốc đầu tư tại công ty SWBC nhận xét.
Trong khi đó, biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy phần lớn các quan chức ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Họ đánh giá các cú sốc giá từ thuế quan của ông Trump là tạm thời hoặc ở mức độ vừa phải.
“Các quan chức Fed dự đoán sẽ lạm phát sẽ tăng nhưng đồng thời cũng cân nhắc việc cắt giảm lãi suất. Hai điều này là không tương thích với nhau, vì vậy, có khả năng Fed đang bắt đầu chú ý nhiều hơn tới diễn biến của thị trường lao động”, ông Brigati từ SWBC giải thích.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 18,10 tỷ cổ phiếu, thấp hơn một chút so với mức trung bình 18,35 tỷ của 20 phiên vừa qua.
URL: https://thitruongbiz.vn/chung-khoan-my-xanh-ruc-ky-vong-fed-cat-giam-lai-suat-d29516.html
© thitruongbiz.vn