Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ mở ra viễn cảnh mới cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ, khi các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị đối mặt với những chính sách thương mại quyết liệt từ phía Mỹ.
Thương mại Việt - Mỹ đứng trước một viễn cảnh khó đoán khi ông Trump từng cam kết tăng thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất nội địa. Các chuyên gia lo ngại về nguy cơ áp lực thuế quan và thách thức trong giao dịch hàng hóa.
Dù vậy, một số chuyên gia khác cũng tin rằng Việt Nam, nhờ vào chiến lược xuất khẩu linh hoạt và chính sách đối ngoại đa phương, có thể tiếp tục tận dụng cơ hội từ thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại Việt - Mỹ đã đạt gần 111 tỷ USD, bằng với kim ngạch cả năm ngoái và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau một năm sụt giảm. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 98,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ Mỹ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%.
Nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai. Theo Tổng cục Hải quan, mốc 100 tỷ USD lần đầu được ghi nhận vào năm 2021 với kim ngạch 111,5 tỷ USD. Đến năm 2022, dù gặp khó khăn từ đại dịch, thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng với tổng kim ngạch gần 124 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, con số này giảm xuống còn 110,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 97 tỷ USD và nhập khẩu 13,8 tỷ USD từ Mỹ.
Thương mại Việt - Mỹ năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp vượt mốc trăm tỷ USD. Với thị trường Mỹ có nhu cầu tiêu dùng cao cùng hơn 300 triệu dân, nhiều doanh nghiệp Việt kỳ vọng xuất khẩu sẽ còn phát triển. Các ngành hàng như điện tử, may mặc, giày dép, nội thất và nông thủy sản đều xem Mỹ là thị trường trọng yếu. Đặc biệt, đến tháng 9/2024, có 13 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó máy vi tính, linh kiện điện tử dẫn đầu với 17,32 tỷ USD, tiếp đến là máy móc, thiết bị với 15,5 tỷ USD và dệt may đạt hơn 12 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều cơ hội mới từ các chính sách của Mỹ, các doanh nghiệp cũng cần thận trọng trước các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt trong một số ngành hàng thuộc diện cảnh báo sớm. Thực tế, Mỹ hiện cũng là quốc gia có nhiều cuộc điều tra nhất về hàng Việt Nam xuất khẩu, với gần 70 vụ liên quan đến các mặt hàng như thép, gỗ, sợi, tôm, cá tra và mật ong. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây cũng cho thấy các công ty Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng doanh thu gần 25%, vượt xa các thị trường khác.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, được nâng cấp vào tháng 9/2023, là nền tảng vững chắc cho mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD trong tương lai.
Trong bối cảnh ông Donald Trump quay lại làm Tổng thống Mỹ, các chuyên gia dự đoán rằng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Các loại nông sản, đặc biệt là trái cây, được dự báo sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ bất chấp những thay đổi tiềm năng về hàng rào kỹ thuật, thuế quan, và tỷ giá.
Mỹ là thị trường tiêu thụ nông sản lớn trên toàn cầu, mỗi năm nhập khẩu hơn 200 tỷ USD các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu nội địa của 338 triệu dân. Các mặt hàng nhập khẩu lớn từ Việt Nam vào Mỹ bao gồm cà phê, rau quả, thủy sản và gỗ, đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng với nhiều sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ như thủy sản, gỗ, hạt điều và các loại rau quả, đặc biệt là thanh long, xoài, và dừa tươi - sản phẩm mới nhất được Mỹ cấp phép nhập khẩu. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sự trở lại của ông Trump không khiến xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp trở ngại lớn như nhiều người lo ngại. Lý do chính là bởi nông sản Việt không phải là tâm điểm trong chính sách bảo hộ của ông Trump như Liên minh Châu Âu hay Trung Quốc. Với hàng nông sản, Mỹ chỉ yêu cầu rõ ràng về xuất xứ để kiểm soát lạm dụng, nhưng không áp đặt các hạn chế như thẻ vàng hay xanh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 89 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ nhu cầu cao từ người tiêu dùng Mỹ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhận xét rằng, với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Việt Nam và Mỹ, sự phục hồi kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ tại Mỹ đã giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng sau khi giảm sâu vào năm 2023.
Dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn lo ngại vì ông Trump có thể thực hiện chính sách tăng thuế nhập khẩu, đề xuất thuế 10-20% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, thị trường Mỹ vẫn là thị trường lớn và cần được quan tâm nhất bởi sức tiêu thụ cao. Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, mã vùng trồng và chuỗi giá trị rõ ràng để duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh thị trường có thể thay đổi. Ngoài ra, việc thúc đẩy chế biến sâu cũng là chiến lược lâu dài để tránh phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.
Chuyên gia phân tích của Mirae Asset cũng cho rằng, với chính sách của ông Trump, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ đánh thuế cao hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro về thuế quan tăng cao cũng là mối đe dọa, nhất là khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Với chiến lược hợp tác cùng các tập đoàn Mỹ, cải thiện chuỗi cung ứng và chú trọng chế biến sâu, Việt Nam có thể tiếp tục duy trì lợi thế xuất khẩu sang Mỹ ngay cả khi ông Trump áp đặt các chính sách mới.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại toàn cầu, trong đó có ảnh hưởng lớn đến quan hệ giao thương giữa Mỹ và Việt Nam. Mặc dù các chuyên gia tin rằng thương mại giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển, nhưng những điều chỉnh chính sách của ông Trump có thể đặt ra các thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Như đã đề cập ở trên, vấn đề nhận được quan tâm nhiều nhất từ tất cả các bên liên quan, gồm chính phủ, doanh nghiệp, giới phân tích,... chính là áp lực về thuế quan.
Ông Fred Burke, cố vấn cấp cao tại Công ty luật Baker McKenzie (Mỹ) tại Việt Nam, cho rằng ông Trump có khả năng áp thuế cao hơn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Do đó, để bảo vệ và phát triển các ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tránh việc bị coi là trung gian cho hàng hóa Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ.
Đáng chú ý, Việt Nam đã duy trì một chính sách đối ngoại đa phương và công bằng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường Mỹ mà không gây ra các xung đột thương mại. Ông Burke cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần chú trọng tuân thủ các quy tắc định giá để tránh vi phạm chính sách chống bán phá giá của Mỹ và hạn chế kinh doanh các sản phẩm có khả năng bị trừng phạt.
Ông Phạm Quang
Vinh, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cũng nhận xét rằng ông Trump thường chú trọng
đến vấn đề thâm hụt thương mại và kiểm tra kỹ xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Theo
ông Vinh, việc thắt chặt quan hệ giao thương giữa hai nước sẽ giúp Việt Nam
giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại với chính quyền mới.
Theo bà Deborah Elms, trưởng bộ phận chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn hơn cho các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bà dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục sử dụng thuế quan như một công cụ chính để đạt được mục tiêu của mình, vì ông coi đây là phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề thương mại. Trump ít quan tâm đến các hệ lụy mà thuế quan có thể gây ra cho mối quan hệ giữa các quốc gia và không ngại áp dụng nó nếu thấy cần thiết.
Theo bà Elms, mục tiêu của ông Trump là thể hiện sức mạnh của nước Mỹ và củng cố vị thế cá nhân khi áp dụng các biện pháp mạnh tay. Bà cũng cho biết, đội ngũ cộng sự trong nhiệm kỳ tới của ông Trump được chọn lựa kỹ càng, khả năng ông Trump thực hiện các kế hoạch của mình mà không bị cản trở sẽ cao hơn.
Nhìn chung, nhiều chuyên gia đồng tình rằng ông Trump sẽ ưu tiên các chính sách nhằm bảo vệ sản xuất nội địa và thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ. Đối với Việt Nam, để duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Mỹ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về xuất xứ hàng hóa, tuân thủ các quy định định giá và sẵn sàng đối mặt với các tranh chấp thương mại nếu chúng xảy ra.
URL: https://thitruongbiz.vn/buc-tranh-thuong-mai-viet--my-co-hoi-va-thach-thuc-d26047.html
© thitruongbiz.vn