Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (Mã chứng khoán EVS) vừa thông báo về việc nhận được đơn từ nhiệm của 4 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT).
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Chung (SN 1971) và ông Nguyễn Xuân Hà (SN 1972) đã có xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT từ ngày 1/4/2025 với lý do cá nhân. Ông Hoàng Đôn Hùng (SN 1979) và ông Trần Đình Cường (SN 1973) cũng có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên độc lập HĐQT từ ngày 1/4/2025 với lý do cá nhân.
Theo Báo cáo quản trị năm 2024, tính đến cuối năm, HĐQT Chứng khoán Everest bao gồm 11 thành viên. Ngoài 4 lãnh đạo trên, Chủ tịch HĐQT EVS là ông Nguyễn Hải Châu; các Thành viên HĐQT gồm ông Vũ Mạnh Tiến, Vũ Hải Anh, Ngô Thanh Tùng, Lê Thảo Anh, Phạm Hồng Minh; các Thành viên HĐQT độc lập gồm bà Đỗ Thị Hồng Hải.
Cũng liên quan đến biến động nhân sự cấp cao, Chứng khoán Everest trước đó đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với ông Lê Minh Khuê kể từ ngày 31/3/2025. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Khuê nộp đơn xin thôi việc vào ngày 21/3 vì lý do cá nhân. Ông Lê Minh Khuê được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc EVS từ ngày 1/2/2023. Trước đó, ông Khuê gia nhập EVS từ tháng 2/2021 trong vai trò Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính doanh nghiệp.
Trước đó ít ngày, Chứng khoán Everest thông báo về việc nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 13/QĐ-XPHC do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành ngày 21/3/2025 với tổng mức tiền phạt mà Chứng khoán Everest phải nộp là 177,5 triệu đồng.
Theo đó, Chứng khoán Everest bị xử phạt 92,5 triệu đồng do chưa tuân thủ quy định trong việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động nghiệp vụ.
UBCKNN chỉ rõ, công ty chứng khoán này đã không lưu giữ tài liệu đối với 2 mã trái phiếu CLACH2124001 và CLACH2125002 do Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm phát hành. Mặt khác, công ty cũng còn một số thiếu sót trong việc lưu hồ sơ đăng ký chuyển nhượng trái phiếu trong quá trình cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký – bao gồm cả tài liệu chứng minh nhà đầu tư nhận chuyển nhượng đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Chứng khoán Everest đã nhiều lần vi phạm quy định về việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Everest bị xử phạt thêm 85 triệu đồng do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Cụ thể, công ty đã không gửi báo cáo quý III/2021 của đại lý phát hành trái phiếu đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) theo đúng quy định.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4/2024, Chứng khoán Everestghi nhận bức tranh không mấy tích cực với doanh thu hoạt động đạt gần 104 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các mảng kinh doanh đều sụt giảm. Riêng khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 92 tỷ đồng, giảm 15%. Điểm sáng hiếm hoi là lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động giảm 52% xuống còn hơn 51 tỷ đồng. Lỗ tài sản tài chính FVTPL hơn 35 tỷ đồng tiết kiệm 51% so với cùng kỳ, nhờ đó, lãi thuần mảng tự doanh gần 56 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Sau khấu trừ các khoản thuế phí, Chứng khoán Everest báo lãi ròng 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi hơn 80 triệu đồng.
Tính chung cả năm 2024, Chứng khoán Everest ghi nhận doanh thu 252 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cả năm hơn 17 tỷ đồng, giảm lần lượt 34% và 48% so với năm 2023. Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của EVS ghi nhận 2.467 tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm.
Lý giải sự sụt giảm này, EVS cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do năm 2024 thị trường chứng khoán biến động mạnh, thanh khoản thị trường giảm mạnh làm doanh thu hoạt động môi giới giảm. Giá cổ phiếu giảm dẫn đến chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản chính giảm. Sự sụt giảm hai mảng doanh thu chính này làm tổng doanh thu hoạt động công ty giảm mạnh, dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm 2024 giảm nhiều so với năm 2023.
Bước sang năm 2025, Everest đặt mục tiêu doanh thu khoảng 175 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 9,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 30% và 45% so với năm trước. Điều này có thể cho thấy công ty đang có những dự báo thận trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán đầy biến động. HĐQT Chứng khoán Everest cũng đã ra hàng loạt Nghị quyết hướng đến tái cấu trúc doanh nghiệp mạnh mẽ.
Ngày 20/02, HĐQT EVS ra Nghị quyết thông qua chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp, bao gồm và không giới hạn việc thay đổi sơ đồ tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ; thay đổi cơ cấu quản trị và các chính sách, quy định cần thiết nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật về chứng khoán, Điều lệ Công ty; tinh giản cơ cấu nhân sự trong năm 2025 với mục tiêu tối ưu hóa chi phí và nâng cao doanh thu, lợi nhuận.
Cùng ngày, HĐQT EVS cũng thông qua 3 Nghị quyết về việc điều chỉnh hoạt động của toàn bộ 3 chi nhánh, bao gồm đóng cửa và miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Chi nhánh Bà Triệu đối với bà Vũ Thị Thanh Hằng; thay đổi địa điểm và rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán của Chi nhánh Nguyễn Trãi; thay đổi địa điểm hoặc giảm diện tích thuê và rút nghiệp vụ bảo lãnh chứng khoán của Chi nhánh Sài Gòn.
Trước đó, ngày 14/02, EVS thông báo thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với thông tin người đại diện pháp luật mới là Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hải, thay thế cho ông Phạm Hồng Minh.
Liên quan đến công tác tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, vừa qua, Chứng khoán Everest đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng là 24/03/2025. Thời gian tổ chức đại hội dự kiến rơi vào tháng 3 hoặc tháng 4/2025, địa điểm cụ thể sẽ được công bố trong thông báo sau. Trước đó, doanh nghiệp đã quyết định hủy ngày đăng ký cuối cùng là 17/02/2025 và danh sách cổ đông liên quan, với lý do cần thêm thời gian để hoàn thiện nội dung trình đại hội.
URL: https://thitruongbiz.vn/4-thanh-vien-hdqt-chung-khoan-everest-dong-loat-tu-nhiem-d27928.html
© thitruongbiz.vn