Trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo thu về 4 tỷ USD - mức cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. |
Ngày 8/10, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn. Tuy đang đi ngang nhưng giá gạo Việt Nam vẫn đang ở mức cao và bỏ xa gạo Thái Lan tới 91 USD/tấn.
Nhìn về mặt giá gạo Việt Nam đang xác lập một mặt bằng giá mới. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua. Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với tháng cùng kỳ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo. Con số này tương đương với năm 2022 và cả năm 2023 có thể đạt tới 8 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay và đang vững ở vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới và đang đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực.
Hiện tại, nguồn cung gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2022 là Thái Lan. Thống kê của Hải quan và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo đến hết tháng 10 mới đạt 6,88 triệu tấn. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm 2023, nhiều khả năng Thái Lan sẽ tăng tốc và đạt tổng lượng gạo xuất khẩu lên tới 8,5 triệu tấn, do lượng gạo mới thu hoạch còn nhiều.
Ngày 7/11, một trong những nguồn cung gạo lớn trên thế giới là cũng ban hành giá sàn các mặt hàng gạo xuất khẩu. Cụ thể, gạo 5% tấm có giá sàn xuất khẩu là 540 USD/tấn (giá giao dịch trên thị trường 568 USD/tấn), gạo Basmati có giá sàn 900 USD/tấn.
Với mức giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có giá cao nhất thế giới. Theo các chuyên gia, xu thế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới vẫn duy trì ở mức cao trong ngắn hạn. Chính các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, nhờ sản lượng xuất khẩu đều đặn mỗi năm khoảng 7 triệu tấn, chính sách xuất khẩu cũng ổn định, nên vị thế của những nhà sản xuất gạo Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực trên thị trường gạo thế giới.
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn - ông Đặng Kim Sơn cho biết: "Các nước mà đang đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng đều là những nước mà luôn luôn trông đợi sự ổn định của họ về mặt an ninh lương thực, một phần quan trọng ở các nước xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể thấy trong một khía cạnh nào đó việc Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới chính là đảm bảo cho vị thế của mình chính là củng cố cho vai trò của đất nước mình trên trường quốc tế".
Trong thời gian tới khi Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, được Chính phủ thông qua thì quá trình xanh hoá hạt gạo của Việt Nam cũng chính thức được bắt đầu. Theo các chuyên gia, một ngày không xa, Việt Nam còn có thể bán ra thế giới những hạt gạo được dán nhãn sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu mạnh cũng phát sinh những rủi ro đi kèm. Cụ thể, Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng cho biết, một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Trường hợp doanh nghiệp lớn đang giao hàng, để giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gạo giá cao gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương luôn khuyến cáo rõ ràng tới các doanh nghiệp, phải hết sức thận trọng khi ký hợp đồng. Bởi ký hợp đồng nhưng không lường được nguồn cung, không chủ động nguồn cung thì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như nếu giá gạo thế giới tiếp tục tăng cao thì chúng ta sẽ vướng phải tình trạng ký trước, tức bán trước sau đó mới quay vào trong nội địa để mua sẽ không loại trừ khả năng chúng ta ký trước thì giá nó thấp và sau đó quay vào nội địa để mua không mua nổi vì giá nội địa cũng tăng rất cao, ông Trần Quốc Khánh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - Trần Thanh Hải cũng thông tin: "Chúng ta luôn luôn tính đến phương án có thể xảy ra trong việc chúng ta dự trữ cũng như ký kết hợp đồng và áp dụng điều khoản phù hợp, để phòng tránh rủi ro. Còn việc đảm bảo dự trữ lưu thông cũng như yêu cầu đáp ứng yêu cầu của Nghị định 107 vẫn là yêu cầu hàng đầu mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đảm bảo tuân thủ".
© thitruongbiz.vn