Như vậy, nếu tính trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia có số ca mắc mới cao nhất. Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong danh sách các nước có số ca tử vong cao nhất tuần. Những quốc gia này bao gồm Mỹ (hơn 2.700 ca), Brazil (hơn 1.400 ca), Nhật Bản (1.002 ca) và Tây Ban Nha (654 ca).
Tính riêng trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ ba về số ca mắc mới, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, song cũng không có tên trong danh sách các nước có số ca tử vong cao nhất. Các nước có số người chết vì Covid-19 cao nhất là Nhật Bản, Australia và Trung Quốc.
WHO cho biết số ca mắc tại Việt Nam tăng cao một phần là do báo cáo bổ sung của một số tỉnh từ trước đó (trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến nay). Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết tuần qua, Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca, Thái Nguyên bổ sung 152.485 ca. Còn lại, số mắc trong 7 ngày gần đây trên cả nước bình quân 2.000 ca/ngày.
Ngoài ra, ngày 11/8, bản tin Covid của Bộ Y tế cho biết số mắc mới tăng vọt trở lại, lên mức 6.775 ca, cao gấp ba so mức trung bình tuần trước. Bộ Y tế cho biết số thực tế ghi nhận trong ngày là hơn 2.300 ca, tăng so với ngày trước (hơn 2.000 ca). Tuy nhiên, tổng số ca được thống kê tăng vọt là do Nghệ An báo cáo bổ sung 4.408 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh, sau khi rà soát thông tin.
Theo cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, cần diễn giải và báo cáo xu hướng tử vong do Covid-19 ở thời điểm hiện tại một cách thận trọng, vì nhiều quốc gia đang dần thay đổi chiến lược xét nghiệm. Điều này dẫn đến số lượng xét nghiệm tổng thể thấp hơn, số ca nhiễm được ghi nhận cũng thấp hơn so với thực tế.
WHO nhận định BA.5 vẫn là biến chủng chủ đạo trong làn sóng lây nhiễm mới. Tỷ lệ lưu hành của các biến chủng phụ khác như BA.4, BA.2 đã giảm. Trong khi đó, BA.5 ngày càng đa dạng, với nhiều đột biến bổ sung.
WHO sẽ tiếp tục theo dõi tất cả các biến chủng mới phát sinh, gồm cả những biến chủng đáng lo ngại để cảnh báo xu hướng lây nhiễm toàn cầu và sự thay đổi của virus.