Nhóm cổ phiếu Vingroup từng bị nhà đầu tư không mấy mặn mà, nhưng sau loạt thông tin tích cực từ các dự án, kế hoạch kinh doanh liên quan đến tập đoàn xuất hiện dồn dập đã kéo sự chú ý trở lại. Ngày 24/3, vốn hóa Vingroup và Vinhomes đồng loạt vượt 200.000 tỷ đồng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm 3 tỷ USD sau chưa đầy 1 năm.
Tâm điểm của thị trường phiên hôm nay tập trung vào một số cổ phiếu trụ cột. Trong đó, nhóm cổ phiếu “họ” Vingroup gây chú ý nhất khi bật tăng mạnh từ đầu phiên và là nhân tốt chủ chốt giữ nhịp thị trường trong bối cảnh nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,44 điểm (0,64%) lên 1.330,32 điểm. HNX-Index tăng 0,18 điểm (0,07%) lên 246 điểm. Riêng cổ phiếu “họ” Vin khi VIC tăng trần và VHM tăng 6,3%. Riêng hai mã này đã đóng góp tới 6,6 điểm của chỉ số chung thị trường.
Với trường hợp VIC của Vingroup, việc đóng cửa ở mốc 56.700 đồng/cổ phiếu giúp mã chứng khoán này neo ở mốc cao nhất 19 tháng. Kể từ cuối tháng 2 đến nay, thị giá VIC đã tăng 40%.
Nhịp tăng mạnh cũng mở rộng vốn hóa của Vingroup lên gần 217.000 tỷ đồng, đưa tập đoàn đa ngành này vượt qua Techcombank để trở lại vị trí doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán, đồng thời là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 4 sàn HoSE (sau 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank).
Tương tự, cổ phiếu VHM của Vinhomes - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam - cũng khởi sắc không kém.
Sau phiên hôm nay, VHM đã tiến lên mốc 51.300 đồng/cổ phiếu, cao nhất 19 tháng. Vốn hóa cũng vượt 210.000 tỷ đồng nằm trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán, top 2 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất.
Trong khi đó, cổ phiếu VRE của Vincom Retail khiêm tốn hơn khi đóng cửa ở mốc 19.150 đồng/cổ phiếu, cao nhất 5 tháng qua. Vốn hóa của “đại gia” bất động sản bán lẻ qua đó tiến lên mức 43.500 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup từng bị nhà đầu tư không mấy mặn mà, nhưng sau loạt thông tin tích cực từ các dự án, kế hoạch kinh doanh liên quan đến tập đoàn xuất hiện dồn dập đã kéo sự chú ý trở lại.
Đáng quan tâm nhất là, CTCP Vinpearl nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE, động thái rất đáng chú ý sau một thời gian dài thị trường thiếu vắng những đợt IPO, niêm yết của các doanh nghiệp lớn, quy mô tỷ USD.
Sau đợt phát hành hồi tháng 2, vốn điều lệ của Vinpearl hiện ở mức gần 18.000 tỷ đồng. Vinpearl cũng tự định giá vốn hóa ở mức gần 5 tỷ USD.
Nếu Vinpearl được niêm yết trên HoSE, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có thêm một công ty tỷ USD trên sàn chứng khoán.
CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) - công ty con của Vingroup và là chủ đầu tư phát triển dự án Vinhomes Cổ Loa (tên thương mại là Global Gate) - cũng triển khai thương vụ chuyển nhượng một phần dự án với quy mô 75 ha cho CTCP Thời đại mới T&T. Tổng mức đầu tư phần chuyển nhượng này là 30.000 tỷ đồng.
Mới đây, Vingroup đã gửi văn bản tới UBND TP HCM và Sở Giao thông công chánh TP HCM đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP với huyện Cần Giờ. Dự kiến, công trình khởi công từ năm 2026, vận hành thử và bàn giao vào năm 2028.
Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, là huyện duy nhất của TP HCM có 23 km bờ biển. Theo quy hoạch, đến năm 2030, huyện Cần Giờ sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cũng đang đạt được những bước tiến quan trọng. Vừa qua, đại diện Vingroup cũng kiến nghị TP HCM đẩy nhanh thủ tục để khởi công dự án trước ngày 30/4.
Hôm nay, khối ngoại cũng thể hiện sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu “họ Vin” khi chi gần 100 tỷ đồng mua ròng nhóm này. Tính riêng trong tháng này, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại với VIC, VHM và VRE đã lên tới 1.700 tỷ đồng.
Đà tăng của cổ phiếu VIC cũng là yếu tố trực tiếp giúp khối tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng ngày càng "phình to".
Theo cập nhật của Forbes vào chiều 24/3, tài sản của Chủ tịch Vingroup đã tăng 305 triệu USD sau 1 ngày, chạm mức 7,4 tỷ USD và đứng vị trí 423 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Đáng chú ý, khối tài sản của Chủ tịch Vượng đã vượt mốc kỷ lục 7,3 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021. So với năm ngoái, tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 3 tỷ USD.
Nếu tính riêng khối tài sản dựa trên 691 triệu cổ phiếu VIC sở hữu trực tiếp (tương đương 18,08% vốn Vingroup), Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đang sở hữu hơn 39.200 tỷ đồng, tăng gần 2.600 tỷ đồng so với phiên gần nhất.
Thực tế, giá trị tài sản dựa trên cổ phiếu của tỷ phú giàu nhất Việt Nam lớn hơn nhiều nếu tính cả lượng sở hữu gián tiếp tại các doanh nghiệp liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.
Trong khi đó, tài sản dựa trên cổ phiếu của Phó chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng - cũng tăng hơn 630 tỷ đồng hôm nay, lên hơn 9.600 tỷ đồng. Hiện bà Hương đang nắm khoảng 170,6 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 4,46% vốn tập đoàn.
Ước tính kể từ đầu tháng 3 đến nay, tài sản của vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương đã tăng lần lượt 10.700 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng.
© thitruongbiz.vn