Các chuyên gia VCBS dự báo tỷ giá USD/VND sẽ biến động trong khoảng 3% cho cả năm 2025, đồng thời kỳ vọng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang và lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp.
Tỷ giá USD/VND đã có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng đặc biệt tăng cao trong quý II/2024 và quý IV/2024.
Theo dữ liệu từ báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ngày 26/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% so với đầu năm, lên mức 24.320 VND/USD.
Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD và tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3% lên 25.840 đồng/USD.
VDSC cho biết, tiền đồng mất giá khoảng 4,8% trong năm 2024. Mặc dù vậy, nhóm phân tích cho rằng, NHNN vẫn đang kiểm soát tốt những biến động tỷ giá.
Để kiểm soát tỷ giá, tính chung cả năm 2024, NHNN đã hút ròng khoảng 28.000 tỷ đồng. Quy mô này tương đối nhỏ so với quy mô bơm ròng khoảng 66.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Lãi suất điều hành của NHNN được duy trì ổn định, với lãi suất tái chiết khấu 3% và tái cấp vốn 4,5%/năm. Lãi suất trên thị trường mở không vượt quá mức lãi suất tái cấp vốn.
Dự báo về năm 2025, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, vẫn có những áp lực nhất định lên tỷ giá trong năm tới.
Cụ thể, chỉ số sức mạnh đồng USD có thể duy trì ở ngưỡng cao. Thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất lâu hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh đồng USD cao hơn so với các đồng tiền khác.
Ngoài ra, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và theo đó, USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn. VCBS đánh giá, VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2025.
Mặc dù vậy, VCBS nhận định thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực. Trong đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu, dòng tiền vẫn sẽ tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam.
Đồng thời, kiều hối tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi.
Đặc biệt, trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý với bộ máy nhân sự đã ổn định, có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Đối với lãi suất, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định trong năm 2025 nhờ nhiều yếu tố.
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định từ 12-14%, nhờ vào nhu cầu vốn tăng từ các doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân, cũng như sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, VCBS cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát và nợ xấu.
Đối với lãi suất, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định trong năm 2025 nhờ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn.
Thứ hai, với triển vọng tăng trưởng khả quan, lạm phát hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát, tạo dư địa cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo các yếu tố ổn định.
Thứ ba, nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo không có sự biến động mạnh, các ngân hàng có thể tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức ổn định để duy trì khả năng cung ứng tín dụng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí vốn.
Tuy nhiên, áp lực tỷ giá có thể khiến nhà điều hành sử dụng các công cụ điều tiết linh hoạt theo từng bước.
Áp lực tăng lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thừờng đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, nhóm phân tích nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.
Chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay vẫn được NHNN theo dõi sát sao thông qua các báo cáo lãi suất.
Theo đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay trung bình tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Mặc dù vậy, biến động của lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và một số doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng yếu có thể vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thậm chí phải chấp nhận một mức lãi suất cao hơn. Một số doanh nghiệp bất động sản có thể chịu yêu cầu khó khăn nhất định.
URL: https://thitruongbiz.vn/vnd-mat-gia-khoang-3-lai-suat-huy-dong-di-ngang-trong-nam-2025-d26714.html
© thitruongbiz.vn