Thị trường chứng khoán hôm nay (15/11) tiêu cực ngay từ lúc mở cửa, thanh khoản khớp lệnh tăng khá mạnh, cổ phiếu giảm giá sâu la liệt trên bảng điện, nhà đầu tư đua nhau bán tháo. VN-Index kết phiên giảm 13 điểm, thủng mốc 1220 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, VN-Index giảm 13,32 điểm (-1,08%), xuống mức 1.218,57 điểm; VN30-Index còn 1.271,22 điểm sau khi giảm 15,43 điểm (-1,2%).
Thanh khoản tăng đáng kể so với phiên trước, đạt gần 19.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh. Khối này mua hơn 2.000 tỷ đồng và bán gần 3.330 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là gánh nặng chính khi chốt phiên giảm gần 15,5 điểm, trong đó chỉ còn 3 mã là VRE, SSB, BVH ngược dòng thành công với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%; cùng VJC đứng giá tham chiếu; còn lại có tới 26 mã giảm.
Trong đó, các mã SSI, FPT, VHM đều nới rộng hơn biên độ giảm trong phiên chiều khi chịu thêm sức ép từ cung ngoại với giá trị bán ròng mỗi mã đều đạt vài trăm tỷ, với SSI vẫn là mã giảm mạnh nhất trong rổ bluechip khi để mất 3% xuống mức 23.950 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 3 thị trường với hơn 25,5 triệu đơn vị và khối ngoại bán ròng hơn 8,5 triệu đơn vị.
Xét theo từng nhóm ngành, tác động mạnh nhất đến sự đi xuống của thị trường tiếp tục là ngành ngân hàng, trong đó BID, CTG, TCB, VPB, VCB thuộc nhóm lấy đi nhiều điểm số nhất.
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên này cũng diễn biến tiêu cực, với mức giảm 0,60%, chủ yếu đến từ các mã VHM, VIC, BCM, KDH, SSH, NVL, IDC, VPI, PDR, SIP, NLG, SNZ, DIG....
Cổ phiếu công nghệ thông tin cũng giảm 1,38%, chủ yếu đến từ mã FPT (-1,54%). Trái lại, CMG tăng 1,58%.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng nghiêng về sắc đỏ, với mức giảm 1,65%, chủ yếu đến từ các mã MWG, PLX, PNJ, OIL, DGW, PET, HHS, HTM, MVC, HAX, SVC...
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư. Diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất do đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh.
Xu hướng suy giảm vẫn đang diễn ra. Trong báo cáo gửi tới các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích từ BSC dự báo chỉ số VN-Index có thể tiến về vùng hỗ trợ 1200 điểm.
Tại thị trường thế giới, các chỉ số đều nằm đỏ sàn. Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (14/11), sau khi Chủ tịch Fed khiến giới đầu tư bất an với phát biểu cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ không cần phải vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ số Dow Jones giảm 207,33 điểm (-0,47%), xuống 43.750,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,21 điểm (-0,60%), xuống 5.949,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,07 điểm (-0,64%), xuống 19.107,65 điểm.
Tại một sự kiện của Fed Dallas, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho rằng với việc nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt, thị trường việc làm vững chắc và dù lạm phát vẫn trên mục tiêu 2% nhưng Fed vẫn phải cân nhắc cẩn thận hơn về việc cắt giảm lãi suất.
Chứng khoán Nhật Bản tăng khi đồng yên suy yếu đã nâng đỡ cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô, cũng như cổ phiếu tài chính tăng sau khi nâng dự báo triển vọng lợi nhuận trong năm.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,28% lên 38.642,91 điểm và mất hơn 2,6% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,39% lên 2.724,35 điểm và giảm 1,8% trong tuần.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, ngay cả khi doanh số bán lẻ cho thấy tín hiệu tích cực. Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,45% xuống 3.330,73 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,75% xuống 3.968,83 điểm.
Chứng khoán Hồng Kông giằng co và đóng cửa gần như không đổi, khi đón nhận báo cáo từ Đại lục cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 10 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2 và đà giảm giá nhà chậm lại, cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hồi phục nền kinh tế đang phát huy tác dụng. Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,05% xuống 19.426,34 điểm và giảm khoảng 6% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,10% lên 6.980,06 điểm.
© thitruongbiz.vn