Nhóm bất động sản đóng vai trò dẫn dắt, giúp VN-Index tăng 7,9 điểm (+0,60%) lên mức 1.323,05 điểm trong phiên giao dịch ngày 21/5.
Chốt phiên, VN-Index tăng 7,9 điểm (0,6%), lên mức 1.323,05 điểm; HNX-Index giảm 0,24 điểm xuống 217,46 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 87 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,14 điểm lên mức 95,83 điểm. VN30-Index đạt 1.419,36 điểm sau khi “đội”11,84 điểm (0,84%).
Cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 183 mã đi xuống, 137 mã đi lên. Tại nhóm VN30, số mã tăng -giảm lần lượt là 13 mã và 12 mã.
Trong hai mã trụ cột tăng trần phiên hôm qua là VIC và VHM, hôm nay chỉ còn VHM tăng hết biên độ, song vẫn là những mã hỗ trợ mạnh cho thị trường.
Mã có mức vốn hóa lớn thứ 3 là VHM đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index với 4,45 điểm; VIC tăng 2,19%, đóng góp hơn 1,8 điểm. Kế đến là các mã HVN, STB, VPB…
Nhóm cổ phiếu nhà Vin thời gian qua liên tục tăng điểm bởi được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, cùng với việc Vinpearl (VPL) niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, phiên này, VPL lại giảm giá, trở thành mã lấy đi nhiều điểm nhất với 0,61 điểm.
Bất động sản và vận tải là hai nhóm ngành diễn biến nổi bật nhất, cùng tăng hơn 2%. Tại nhóm bất động sản, ngoài VHM tăng kịch trần còn có NVL và một số mã khác cũng tăng hết biên độ.
Nhóm ngành giảm điểm chiếm ưu thế song mức giảm không quá mạnh.
Thanh khoản đạt mức cao với hơn 25.000 tỷ đồng được sang tay, bởi không ít nhà đầu tư chốt lợi nhuận song cũng có một bộ phận khác tranh thủ mua vào.
Điểm đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Khối này mua hơn 2.882 tỷ đồng và bán trên 2.394 tỷ đồng.
Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là FPT 123 tỷ đồng, VIC 94 đồng, VRE 75 tỷ đồng, VCB 49 đồng, HCM 47 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua chủ yếu STB 354 tỷ đồng, quỹ FUEVFVND 324 tỷ đồng, VHM 152 tỷ đồng, VCG 112 tỷ đồng, HVN 71 tỷ đồng,…
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 21/5. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã mất 230,51 điểm (0,61%) xuống 37.298,98 điểm. Chỉ số Topix cũng giảm 5,95 điểm (0,22%) xuống 2.732,88 điểm. Các nhóm cổ phiếu chịu áp lực giảm mạnh nhất trên sàn Prime Market bao gồm bảo hiểm, thiết bị điện và dịch vụ.
Đồng USD có thời điểm trượt xuống vùng giữa 143 yen/USD tại Tokyo trong bối cảnh có những đồn đoán rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent có thể đề cập đến tình trạng giảm giá của đồng yen trong cuộc hội đàm dự kiến với người đồng cấp Nhật Bản bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong tuần này. Diễn biến này gây áp lực lên các cổ phiếu của các công ty xuất khẩu, đặc biệt là nhóm điện tử, do lo ngại lợi nhuận quy đổi từ thị trường nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.
Trái ngược với diễn biến tại Tokyo, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số CSI 300 của các công ty blue-chip Trung Quốc tăng 0,5%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,2%, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6%.
Đà tăng được dẫn dắt bởi cổ phiếu ngành khai khoáng và sản xuất pin, trong bối cảnh giá vàng tăng và cổ phiếu của "gã khổng lồ" pin xe điện CATL có màn ra mắt ấn tượng tại Hong Kong. Cổ phiếu CATL đã tăng 10,2% trong phiên 21/5, sau khi đã tăng vọt 16% trong ngày giao dịch đầu tiên hôm 20/5. Cổ phiếu Gotion High Tech, một công ty khác trong lĩnh vực pin, giao dịch trên thị trường nội địa Trung Quốc cũng tăng mạnh 10%.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cũng đã nâng mục tiêu cho các chỉ số chứng khoán Trung Quốc, chỉ ra những cải thiện cơ cấu đang diễn ra và những phát triển tích cực gần đây về thuế quan cũng như lợi nhuận doanh nghiệp. Ngân hàng này dự báo chỉ số MSCI China sẽ đạt 78 điểm, Hang Seng ở mức 24.500 điểm và CSI 300 ở mức 4.000 điểm vào tháng 6/2026.
URL: https://thitruongbiz.vn/vn-index-tang-gan-8-diem-nho-tru-cot-nhom-bat-dong-san-d28697.html
© thitruongbiz.vn