Mặc dù phiên giao dịch ngày hôm nay (4/4) chưa hết đà lao dốc nhưng chỉ số VN-Index rút ngắn đà giảm còn 19,17 điểm (1,56%), xuống mức 1.210,67 điểm. Chuyên gia khuyến nghị nhà nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên đánh giá lại danh mục và tránh bán tháo theo tâm lý đám đông.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 19,17 điểm (-1,56%), xuống mức 1.210,67 điểm; HNX-Index giảm 3,98 điểm (-1,8%), xuống mức 216,97 điểm. Độ rộng toàn thị trường với sắc đỏ có phần áp đảo với bên bán có 513 mã giảm và bên mua có 255 mã tăng. Sắc đỏ có phần áp đảo trong rổ VN30 với 20 mã giảm, 9 mã tăng và 1 mã tham chiếu.
Xét về nhóm ngành, phiên này, nhóm cổ phiếu phần mềm có sự phân hóa, tăng nhẹ 0,05%, chủ yếu từ mã HPT và PAI. Chiều giảm gồm các mã: FPT, ITD, PIA...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán chìm trong sắc đỏ và có mức giảm sâu 2,38%, chủ yếu từ các mã SSI, VND, HCM, VIX, MBS, FTS… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm: VCI, BSI…
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên này diễn biến tiêu cực và có mức giảm 0,56%, chủ yếu từ các mã VCB, CTG, TCB, VPB, MBB, ACB, HDB… Số ít mã tăng gồm LPB, STB…
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên này ghi nhận mức giảm 1,18% với nhiều mã nằm sàn, chủ yếu từ các mã BCM, SSH, KDH, KBC, VPI, NVL… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm VIC, VHM, VRE,…
Nhóm cổ phiếu năng lượng diễn biến tiêu cực, có mức giảm 06,31%, chủ yếu từ các mã BSR, PVS, PVD, CST, PVC, PVB… Chiều tăng gồm các mã TMB, POS, TVD…
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu phiên này nghiêng về sắc đỏ, giảm 3,66%, chủ yếu từ các mã HPG, GVR, DGC, MSR, VGC, DCM, DPM, HSG… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm KSV, BMP…
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm giảm 4,17%, chủ yếu từ các mã BVH, VNR, BIC, PTI, PGI, ABI… Chiều tăng gồm PVI, PRE,…
Nhóm cổ phiếu bán lẻ phiên này giao dịch kém khả quan, giảm 3,54%, chủ yếu từ các mã MWG, PLX, PNJ, FRT, OIL, DGW, SAS, VFG, PET… Chiều ngược lại, các mã giảm gồm HHS,…
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 1,8 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 39,5 nghìn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 128,7 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù chính sách thuế quan mới của Mỹ chưa chính thức có hiệu lực cho đến ngày 9/4, nhưng tác động của nó đã ngay lập tức lan tỏa, gây ra một làn sóng bán tháo mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với các ngành xuất khẩu, đặc biệt là các ngành chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản và gỗ nội thất, tạo áp lực lớn lên toàn bộ thị trường.
Phiên giao dịch tiêu cực ngày hôm qua đã khiến VN-Index "bốc hơi" toàn bộ thành quả tích lũy từ đầu năm, kéo theo tâm lý hoang mang trên diện rộng. Dù vậy, theo một số chuyên gia, cú sập này không hoàn toàn tiêu cực nếu nhìn xa hơn một nhịp.
Chuyên gia khuyến nghị nhà nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên đánh giá lại danh mục và tránh bán tháo theo tâm lý đám đông. Nếu nắm giữ cổ phiếu của các ngành chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan như dệt may, thủy sản, gỗ, nhà đầu tư có thể cân nhắc cắt lỗ hoặc giảm tỷ trọng để bảo toàn vốn.
Ngược lại, nếu danh mục có cổ phiếu ngành phòng thủ như tiêu dùng thiết yếu, y tế thì có thể giữ và chờ thị trường ổn định. Song, nếu cổ phiếu vi phạm điểm cắt lỗ thì vẫn phải cắt.
Đối với nhóm nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu, nên chờ tín hiệu phục hồi trước khi ra quyết định “bắt đáy”, ví dụ như VN-Index tạo đáy kỹ thuật, Chính phủ công bố biện pháp hỗ trợ hay ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính vững, ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.
Chứng khoán châu Á nới rộng đà giảm điểm trong phiên 4/4, nối tiếp đà bán tháo toàn cầu, do các biện pháp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump thổi bùng nỗi lo chiến tranh thương mại và gia tăng lo ngại về suy thoái, lạm phát.
Các nhà đầu tư châu Á tiếp tục bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh lo ngại về khả năng xuất hiện thêm các diễn biến có thể gây tiêu cực cho thị trường vào cuối tuần.
Khép lại phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,8% xuống 33.780,58 điểm, khi các nhà sản xuất ô tô tiếp tục chịu áp lực. Toyota mất hơn 4% trong khi Nissan và Honda đều giảm hơn 5%. Cổ phiếu của những “người khổng lồ” công nghệ Sony và nhà đầu tư công nghệ SoftBank cũng giảm mạnh.
Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Singapore, Bangkok, Seoul, Wellington, Mumbai và Manila.
Không nằm ngoài xu hướng chung, tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 19,17 điểm, hay 1,56%, xuống 1.210,67 điểm, còn chỉ số HNX-Index để mất 3,97 điểm, hay 1,8%, xuống 216,97 điểm.
Phiên này, các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải, Đài Bắc và Jakarta đóng cửa nghỉ lễ.
Mức thuế đối ứng cao hơn dự đoán của Tổng thống Mỹ đã gây chấn động thị trường trong phiên trước đó, khiến Phố Wall trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19 và đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Thị trường đang ngày càng lo ngại rằng các nước sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa tương tự, gây tổn hại hơn nữa cho thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.
Một số nước đã cảnh báo rằng họ sẽ hành động, trong khi những nước khác cho biết sẽ dành thời gian để đánh giá tác động của các biện pháp thuế quan mới của Mỹ.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ rút lại ngay lập tức các mức thuế quan này và tuyên bố sẽ có các biện pháp đối phó, trong khi Pháp và Đức cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tạm dừng đầu tư vào Mỹ. Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba ngày 4/4 cho biết mức thuế 24% mà nước này phải đối mặt là một "cuộc khủng hoảng quốc gia".
Ông Jim Zelter, Chủ tịch Công ty Apollo Global Management, cảnh báo rằng khả năng suy thoái của kinh tế của Mỹ đã tăng lên ít nhất là 50%. Ông nói thêm rằng các khoản thuế có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gặp khó khăn, vì họ phải cân nhắc giữa việc tăng lãi suất để chống lại khả năng lạm phát tăng đột biến và cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Các nhà giao dịch đang dự đoán 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm nay.
Giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu việc làm của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày 4/4 để có cái nhìn rõ hơn về thể trạng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
© thitruongbiz.vn