VN-Index loay hoay tìm lực tăng, thị trường có khả năng tiếp diễn các nhịp rung lắc trong các phiên tới. Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư chỉ cân nhắc giải ngân khi có các dấu hiệu rõ ràng về dòng tiền.
Kết phiên, VN-Index giảm 3,21 điểm (-0,25%) xuống 1.268,86 điểm; HNX-Index giảm 1,06 điểm (-0,46%) xuống 228,18 điểm; UPCoM-Index không dịch chuyển và giữ ở mức 92,74 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường nhỉnh hơn so với hôm qua, đạt khoảng 17.200 tỷ đồng.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay cũng chứng kiến 17 mã giảm, 4 mã đứng giá và 9 mã tăng. Tuy nhiên, nhờ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số đại diện rổ vẫn tăng nhẹ lên 1.336 điểm với lực đẩy chính từ cổ phiếu FPT.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán chìm trong sắc đỏ, giảm 0,33%, chủ yếu từ các mã SSI, VCI, HCM, VND, MBS, VIX, FTS, ORS, AGR, DSC, TVS, OGC… Chiều tăng gồm các mã BSI, CTS, VDS, BVS…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự tăng giảm đan xen, với mức giảm 0,27%, chủ yếu từ các mã VCB, BID, LPB, VIB, TPB, NAB… Các mã tăng gồm TCB, MBB, ACB, HDB, STB, SHB, EIB, MSB, OCB…
Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng nghiêng về sắc đỏ, có mức giảm 0,22%, chủ yếu từ các mã VHM, BCM, VRE, KBC, NVL, PDR, IDC, NLG, DIG, TCH, KOS, CEO… Trái lại, các mã tăng gồm VIC, VPI, SIP, DXG, KSF, SJS, HDG, VCR, CRE…
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng diễn biến khá tiêu cực, giảm 0,29%, chủ yếu từ các mã HPG, GVR, DCM, DPM, MSR, HSG, VCS, BMP, PHR, VIF, NKG, HT1, PTB… Chiều tăng gồm các mã DGC, VGC, ACG, TVN, CSV, TDP, DNP, SHI…
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin vẫn có giao dịch khá tích cực, có mức tăng 0,67%, chủ yếu từ hai mã FPT, CMG.
Theo các công ty chứng khoán thị trường đang thăm dò trong giai đoạn này. Cụ thể: CTCK AIS: Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tích lũy thứ tư với cây nến Spinning Top (nến con xoay) thể hiện sự giằng co giữa bên mua và bên bán.
Có thể chỉ số sẽ vẫn còn một số rung lắc, điều chỉnh nhẹ nữa để kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.260 điểm (quanh giá trị đường MA50 và MA200 ngày).
Tuy nhiên, xu thế chung của thị trường vẫn là tăng điểm để hướng lên vùng đỉnh cũ 1.290-1.300 điểm trong thời gian tới.
CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định: Lực cầu và áp lực bán chưa có bên nào thể hiện được sự áp đảo hoàn toàn so với bên còn lại khiến thị trường liên tiếp xuất hiện các phiên rung lắc trong biên độ 5-10 điểm.
Tuy nhiên, điểm sáng là dòng tiền thông minh vẫn có sự phân hóa tới các cổ phiếu/nhóm ngành riêng lẻ giúp VN-Index cân bằng sau những nhịp rung lắc.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu duy trì được xu hướng đi lên hoặc có tín hiệu kiểm chứng kháng cự thành công với lực cầu gia tăng ổn định. Một số nhóm ngành có thể cân nhắc chọn lọc cổ phiếu là chứng khoán, bất động sản.
Còn theo, CTCK Asean: Thị trường có khả năng tiếp diễn các nhịp rung lắc trong các phiên tới, và cần có xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng tiếp theo, có thể phá vỡ vùng kháng cự hiện tại để hướng tới mức 1.300 điểm, hoặc điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1255 điểm.
Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát diễn biến chỉ số DXY, tỷ giá USD trong nước và các thị trường thế giới để xác định xu hướng vận động của thị trường trong ngắn hạn và có phương án quản trị danh mục phù hợp.
Chỉ cân nhắc giải ngân khi thị trường có các dấu hiệu rõ ràng về dòng tiền và xu hướng hồi phục, tập trung vào các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực.
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 11/12, trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát, yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng trong quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.432,49 điểm, nhưng chỉ số Hang Seng tại Hong Kong đã đảo ngược đà tăng đầu phiên và giảm 0,9% xuống 20.133,64 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo đi ngang ở mức 39.372,23 điểm.
Trong khu vực, các thị trường Wellington, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều tăng điểm, trái ngược với diễn biến tại Sydney, Singapore, Đài Bắc và Manila.
Phiên này, thị trường Seoul tăng 1%, tiếp nối đà tăng hơn 2% trong phiên trước. Các nhà giao dịch hiện đang theo dõi diễn biến của chính trường Hàn Quốc. Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền cho biết đang xây dựng "lộ trình từ chức" có thể dẫn đến việc Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm tới trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới.
Các nhà đầu tư đang tạm thời “án binh” sau một đợt biến động trong những tuần gần đây do một loạt vấn đề, từ việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Hàn Quốc, biến động ở Trung Đông đến những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.
Thị trường đang chờ đợi số liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2024 của Mỹ dự kiến được công bố trong hôm nay. Chỉ số này được dự đoán chỉ tăng nhẹ, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần tới.
Tuy nhiên, có những nhận định rằng Fed sẽ không thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới như dự đoán trước đó, do lo ngại rằng kế hoạch cắt giảm thuế, nới lỏng quy định và tăng thuế quan của ông Trump sẽ làm lạm phát tăng trở lại.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang chú ý đến những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy tăng trưởng. Giới chức nước này dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kéo dài hai ngày, bắt đầu từ ngày 11/12, nhằm hoạch định chương trình nghị sự cho năm tới.
URL: https://thitruongbiz.vn/vn-index-con-kha-nang-rung-lac-nha-dau-tu-can-nhac-giai-ngan-d26508.html
© thitruongbiz.vn