Theo Reuters, Việt Nam dự kiến sẽ ban hành quy định cho phép Starlink của tỷ phú Elon Musk cung cấp dịch vụ internet vệ tinh trong nước, đồng thời đảm bảo công ty vẫn giữ quyền sở hữu 100% đối với chi nhánh địa phương.
Theo nguồn tin của Reuters, một quan chức chính phủ cho biết việc thay đổi chính sách này là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài với SpaceX – công ty mẹ của Starlink. Động thái này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa internet vệ tinh vào thị trường Việt Nam mà còn cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của chính phủ đối với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
SpaceX đã cố gắng thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ lâu nhưng các kế hoạch bị đình trệ vào cuối năm 2023 sau khi chính phủ từ chối dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nhà cung cấp internet vệ tinh thuộc kiểm soát nước ngoài.
Dự thảo quy định mới, có khả năng được Quốc hội thông qua trong một phiên họp bất thường vào ngày 19/2, sẽ cho phép các nhà cung cấp Internet có mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp thuộc kiểm soát hoàn toàn của nước ngoài được triển khai hoạt động tại Việt Nam. Chính sách sẽ được thí điểm đến cuối năm 2030.
Quy định này nhằm mục tiêu gỡ bỏ các rào cản trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các dự án thuộc chương trình thí điểm sẽ cần sự phê duyệt từ Thủ tướng Phạm Minh Chính.
SpaceX và Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Theo Nikkei Asia, thay đổi này mở đường cho Starlink vào Việt Nam sau nhiều cuộc đàm phán với công ty mẹ SpaceX. Trước đó, SpaceX đã gặp khó khăn khi muốn gia nhập thị trường Việt Nam.
SpaceX đang mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam. Chính phủ cho biết công ty này có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập là tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, được định giá khoảng 210 tỷ USD.
Để cung cấp dịch vụ internet cho phạm vi toàn cầu, SpaceX đã phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp khoảng 30.000 vệ tinh, trong đó có hơn 5.500 vệ tinh đang hoạt động. Số lượng vệ tinh Starlink mà SpaceX sẽ phóng lên quỹ đạo sẽ còn tăng lên trong tương lai, tạo thành một mạng lưới bao phủ xung quanh trái đất. Các vệ tinh của Starlink sẽ được thiết kế để phát sóng internet băng thông rộng từ không gian về trái đất.
Ưu điểm của Starlink là có thể cung cấp Internet đến bất kỳ đâu trên thế giới, ngay cả vùng xa xôi, hẻo lánh, những khu vực khó tiếp cận được với mạng internet hoặc mạng di động thông thường.
Tham vọng của SpaceX là dự án Starlink có thể phủ sóng Internet trên toàn cầu và đạt được tốc độ tối đa lên đến 1Gbps (tương đương 125MB/s).
Dịch vụ Internet Starlink đang phục vụ gần 3 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Anh, Australia và hầu hết các nước EU.
Ở Đông Nam Á, SpaceX mới cung cấp dịch vụ Starlink ở Philippines, Malaysia vào năm 2023 và dự kiến có mặt tại một số quốc gia khác trong những năm tiếp theo.
Trên website của dịch vụ này, Việt Nam và Thái Lan là hai nước chưa có thời gian cụ thể hoặc chờ phê duyệt.
Nếu nhiều doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng Starlink, điều đó có thể giúp giảm thặng dư thương mại khổng lồ mà Việt Nam có với Mỹ, theo một người am hiểu về các cuộc thảo luận tiết lộ với Reuters.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm ngoái đạt mức kỷ lục 123,5 tỷ USD, cao thứ tư trong số các đối tác thương mại của Mỹ, theo dữ liệu từ Washington.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đội ngũ cố vấn xây dựng chính sách thuế quan đối ứng đối với tất cả các quốc gia áp thuế lên hàng hóa Mỹ, với thời hạn hoàn thành trước ngày 1/4. Các trợ lý của ông cho biết những quốc gia có thặng dư thương mại lớn sẽ được giám sát kỹ lưỡng.
Nếu bị áp dụng, thuế quan bổ sung của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam.
Để thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam cũng đã đề xuất nhập khẩu thêm nông sản Mỹ và đang thảo luận về các mặt hàng nhập khẩu tiềm năng khác.
SpaceX là tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, được định giá khoảng 210 tỷ USD. Tại Hoa Kỳ, từ tháng 10/2020 đến nay, dịch vụ Internet Starlink (Internet vệ tinh) đã và đang phục vụ gần 3 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
© thitruongbiz.vn