Thông tin trên nằm trong cuộc họp với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải Ròng bằng “0” (GFANZ) và một số đối tác ngày 8/7, tại Hà Nội.
Ngày 8/7, tại Hà Nội, Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã tổ chức cuộc họp với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải Ròng bằng “0” (GFANZ) và một số đối tác nhằm cập nhật tiến độ và thúc đẩy phối hợp trong triển khai JETP thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long - đại diện Cơ quan thường trực Ban Thư ký JETP đã chủ trì cuộc họp. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Ban Thư ký, đại diện từ các bộ, ngành, cơ quan trong nước có liên quan.
Về phía quốc tế, đại diện Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) - ông Thomas Wiersing, Phó Đại sứ Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tiến độ thực hiện Tuyên bố JETP kể từ khi chuyển giao cơ quan thường trực về Bộ Công Thương. Báo cáo ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án phù hợp tiêu chí JETP.
Một điểm nhấn quan trọng tại cuộc họp là thông báo về ba dự án năng lượng đầu tiên đã hoàn tất thỏa thuận vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế:
Các dự án này được xem là bước khởi đầu quan trọng, mở ra kênh huy động tài chính quốc tế cho lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.
Bên cạnh ba dự án nêu trên, hiện có thêm bốn dự án khác trong nhóm ưu tiên ban đầu của JETP đang trong quá trình đàm phán tài chính. Đồng thời, 25 đề xuất mới cũng đã được gửi đến Ban Thư ký JETP, trong đó 17 dự án bước đầu được đánh giá là phù hợp với bốn nguyên tắc của JETP, với tổng nhu cầu vốn lên tới 5,52 tỷ USD.
Tính đến nay, đã có tổng cộng 24 dự án phù hợp với định hướng chuyển đổi năng lượng công bằng, với tổng mức vốn huy động quốc tế dự kiến đạt 7,04 tỷ USD. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định sự hấp dẫn của thị trường năng lượng Việt Nam đối với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế.
Các đối tác thuộc IPG, GFANZ và các ngân hàng phát triển quốc tế cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai hiệu quả các dự án năng lượng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Cuộc họp cũng ghi nhận những đề xuất cải tiến quy trình xét duyệt và lựa chọn dự án, theo hướng minh bạch và thuận tiện hơn. Các bên thống nhất sử dụng cổng thông tin điện tử JETP để tiếp nhận hồ sơ, đề xuất dự án. Đây là bước cải cách giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức tài chính và nhà phát triển dự án.
Trong thời gian tới, IPG sẽ phối hợp cùng Ban Thư ký JETP và Cơ quan Hỗ trợ Ban Thư ký (SSA) để rà soát và xây dựng danh mục dự án, ưu tiên các công trình thuộc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII – bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao nỗ lực phối hợp của các bên và khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế pháp lý, đặc biệt là quy định liên quan đến vốn ODA, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư năng lượng trong và ngoài nước.
URL: https://thitruongbiz.vn/viet-nam-huy-dong-hon-7-ty-do-la-my-cho-chuyen-doi-nang-luong-d29502.html
© thitruongbiz.vn