Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Việt Nam cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Theo đó, sau khi phân tích tình hình, các chuyên gia đã đưa ra 5 bản hướng dẫn và trao đổi nhiều kinh nghiệm trong điều trị để có thể giảm tỷ lệ tử vong.
Mới đây, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức quản lý thu dung điều trị để giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua phân tích 53.608 ca F0cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn chiếm gần 80%.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành phía Nam có số ca mắc tăng cao, khiến hệ thống y tế quá tải và ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Đến nay, nước ta ghi nhận hơn 10.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong đó, số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh chiếm 80,7%.
“Trên thế giới đã có trên 215 triệu người mắc COVID-19, với trên 4 triệu người tử vong, chiếm tỷ lệ 2,08%. Tại Việt Nam, số ca mắc đến nay đã lên tới hơn 400.000 ca, số ca tử vong trên 10.000, chiếm 2,45%. Đây là con số đáng lo ngại. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở nước ta đang cao hơn so với thế giới”,PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn thế giới, Bộ Y tế tập huấn điều trị |
Bộ Y tế đã tập huấn trực tuyến cho 400 bệnh viện về hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; Hướng dẫn hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho người bệnh COVID-19 qua hệ thống Telehealth (khám chữa bệnh từ xa); Hướng dẫn đảm bảo oxy y tế đáp ứng tình hình dịch; Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm tại nhà; Hướng dẫn phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế. Đồng thời, các chuyên gia đầu ngành trao đổi nhiều kinh nghiệm trong tổ chức quản lý bệnh nhân tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại 62 tỉnh thành ở nước ta, trong đó 40 tỉnh thành có bệnh nhân tử vong:“Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Số ca mắc vẫn đang tăng, bệnh nhân nặng nguy kịch và số ca tử vong vẫn đang là thách thức đối với ngành y tế. Rất nhiều biện pháp đã được áp dụng trong thời gian vừa qua. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng ta chưa bao giờ khẳng định các biện pháp sẽ luôn luôn đúng, chúng ta phải có những thay đổi, đặc biệt là những hướng dẫn, khuyến cáo chuyên môn, các bằng chứng khoa phải được cập nhật để có những thay đổi cho phù hợp với tình hình diễn biến của dịch”.
© thitruongbiz.vn