Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản Quý I/2025, cả nước đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và cấp phép xây dựng
Về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành và đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong Quý I/2025. Cụ thể:
Nhà ở thương mại: Đã hoàn thành 14 dự án với quy mô khoảng 3.813 căn, bằng 140% so với cùng kỳ năm 2024; Được cấp phép mới 26 dự án với quy mô khoảng 15.780 căn, bằng 136% so với cùng kỳ; Đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai có 59 dự án với quy mô khoảng 19.760 căn, bằng 155,2% so với cùng kỳ; Đang triển khai xây dựng có 994 dự án với quy mô khoảng 399.873 căn.
Đối với dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, trong quý I, cả nước đã có 19 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 16.805 căn đã hoàn thành và cấp phép xây dựng. Trong đó, đã hoàn thành 11 dự án với quy mô 4.155 căn; đã được cấp phép, khởi công xây dựng 8 dự án với quy mô 12.650 căn.
Thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng cho biết trên địa bàn cả nước đã có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn. Trong đó: Số lượng dự án hoàn thành 103 dự án với quy mô 66.755 căn; Số lượng dự án đã khởi công xây dựng 140 dự án với quy mô 124.352 căn; Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 414 dự án với quy mô 406.045 căn.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đến nay mới có 38/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 97 dự án. Doanh số giải ngân của Chương trình đạt 3.402,51 tỷ đồng.
Để giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững và ổn định hơn trong tương lai, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan trung ương tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khó khăn vướng mắc theo lĩnh vực, thẩm quyền đặc biệt là hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất,…
Về phía Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị..., đáp ứng thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; trong đó ban hành hướng dẫn rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá đô thị sau sắp xếp; ban hành hướng dẫn đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng khu vực đô thị, nông thôn đảm bảo khoa học, nhất quán và đồng bộ.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản. Phối hợp với Ban chỉ đạo số 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường.
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ NN&PTNT theo dõi, tổng hợp thông tin tình hình ban hành bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2024; kịp thời đề xuất giải pháp, biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất đến mặt bằng giá đất, giá nhà, đến cung cầu của thị trường bất động sản.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo số 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng trong đó có các dự án bất động sản. Đồng thời, nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững. Nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế...
"Các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là hiện tượng tăng nóng giá nhà ở, giá đất ở tại các địa phương khi có thông tin về chủ trương, phương án sáp nhập các tỉnh trong giai đoạn vừa qua, đồng thời chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững", Bộ Xây dựng đề xuất.
© thitruongbiz.vn