Vốn điều lệ mới của TPBank tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng, tăng thêm 4.404 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành 440,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, Mã chứng khoán TPB) ngày 5/11 công quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh vốn điều lệ trên giấy phép hoạt động của ngân hàng này.
Theo đó, vốn điều lệ mới của TPBank được điều chỉnh từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng, tăng thêm 4.404 tỷ đồng sau khi ngân hàng này hoàn tất phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Trước đó, cổ đông TPBank đã được nhận thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới từ việc chia cổ tức với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn mới sẽ được ngân hàng cân nhắc sử dụng cho việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ. Đồng thời, là nguồn bổ sung vốn trung - dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng.
Ngoài cổ tức bằng cổ phiếu, vào tháng 7/2024, TPBank đã thực hiện thanh toán cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho cổ đông với tổng số tiền chi ra là hơn 1.100 tỷ đồng.
Hai phương án chia cổ tức trên được ban lãnh đạo TPBank bất ngờ bổ sung tờ trình chia cổ tức để tăng vốn điều lệ năm 2024 tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4 vừa qua, mặc dù trước đó ngân hàng này dự kiến sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 6/11, cổ phiếu TPBank đóng cửa ở mức 16.950 đồng, tăng 2,42% so với phiên giao dịch liền kề và tăng khoảng 19% so với hồi đầu năm nay.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của TPBank, thu nhập lãi thuần - nguồn thu nhập chính tăng nhẹ 2% đạt gần 3.174 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng khá tốt như hoạt động dịch vụ tăng 56% đạt hơn 794 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác đạt gần 135 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 89 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ gần 47 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 60 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ 6% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, hơn 1.426 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 10%, còn gần 2.569 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong quý III/2024, nhờ cắt giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn 838 tỷ đồng, ngân hàng ghi nhận hơn 1.383 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần tại TPBank tăng 10% đạt gần 9.838 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.368 tỷ đồng, tăng 10%. Đáng lưu ý, tính đến cuối tháng 9/2024, TPBank có hơn 3.723 tỷ đồng lãi và phí phải thu (hay gọi là lãi dự thu).
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản tại TPBank đạt hơn 385.352 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 234.722 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại TPBank tăng 8% so với đầu năm, ghi nhận hơn 349.041 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng chiếm 224.821 tỷ đồng, tăng 8%. Phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh 50% lên hơn 36.284 tỷ đồng.
Chất lượng tín dụng tại TPBank có dấu hiệu đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu tăng 28% so với đầu năm, lên mức 5.369 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ 10% còn hơn 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) lại tăng tới 63% lên hơn 2.709 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng 16% lên hơn 1.659 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2024, TPBank còn có hơn 55.358 tỷ đồng "nghĩa vụ nợ tiềm ẩn" chưa được ghi nhận, tăng nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm.
"Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn" bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng thường chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.
URL: https://thitruongbiz.vn/tpbank-chinh-thuc-nang-von-len-26420-ty-dong-d26010.html
© thitruongbiz.vn